Hồ sơ về các đội rà phá dưới nước của Hải quân SEAL trong Thế chiến II
Thập niên 1940, hầu hết vùng nước khổng lồ của đại dương Thái Bình Dương vẫn chưa được khám phá. Dụng cụ và thiết bị quá thô sơ, đại dương quá rộng lớn, nhiều đáy đại dương quá khó khăn để chạm tới. Không có biểu đồ hoặc loại công cụ nào có sẵn khi đó để hướng dẫn tàu bè vào bờ biển địch, và công việc đó đã được đảm giao cho 1.000 trinh sát bơi lội trẻ tuổi của Đội rà phá dưới nước (UDT) của hải quân Mỹ, những người được giao nhiệm vụ do thám các bãi biển địch và phá hủy những tuyến phòng thủ ven biển trước khi quân Đồng minh đổ bộ trong Thế chiến II.
Ngày nay ít người biết đến UDT nhưng di sản của người nhái vẫn sống mãi trong lực lượng hoạt động tinh nhuệ nhất của hải quân Mỹ. SEAL thừa hưởng nhiều kỹ năng và truyền thống từ các bậc tiền bối của thời Thế chiến II, bao gồm rà phá và trinh sát dưới nước, các kỹ thuật lặn “tàng hình”, triển khai mật, làm việc theo từng cặp, và không bao giờ bỏ rơi đồng đội.
Huấn luyện bơi và nín thở cho người nhái
Dưới làn nước trong xanh màu ngọc lục bảo của Maui, những người nhái như George Morgan (một trong những cựu binh UDT sống sót cuối cùng trong thời chiến, nay đã 95 tuổi, từng làm nhân viên cứu hộ ở tiểu bang New Jersey) đã học cách làm thế nào để khảo sát bờ biển của địch, sử dụng chất nổ để phá hủy chướng ngại vật dưới nước, hoặc cho nổ tung rặng san hô nhằm mở đường cho thuyền đi vào. 40% các ứng viên bị đánh rớt trong suốt quá trình huấn luyện.
Một số trở nên hoảng loạn trên biển, trong khi số khác mất đi sức bền khi bơi chặng xa hoặc kỹ năng bơi theo tiêu chuẩn của UDT: tàng hình. Đề phòng người Nhật phát hiện, những người nhái của UDT được dạy bơi mà không làm bắn nước tung tóe. Người lính Morgan đã học được điều đó thông qua bơi sải và bơi ếch, vì vậy tay chân ông không bao giờ nổi lên mặt nước.
Lực lượng người nhái của UDT cũng thực hành quay đầu khi họ bơi nhằm tránh mặt nạ phản chiếu ánh nắng mặt trời. Họ đã học được cách không bao giờ bay lên trên đỉnh sóng mà chỉ khéo léo nép vào giữa chúng. Khóa huấn luyện chuyên biệt dành cho người nhái được tiến hành lần đầu tiên trước trận chiến Saipan (thuộc mặt trận chiến tranh Thái Bình Dương, diễn ra ngay trên đảo Saipan thuộc quần đảo Mariana từ ngày 15-6-1944 đến ngày 9-7-1944, khi 200 người nhái được giao nhiệm vụ đo độ sâu mực nước của các phương pháp tiếp cận bờ biển, cũng như trinh sát các vị trí gài mìn và phòng thủ ven biển của địch.
Nhiệm vụ ban ngày diễn ra vào ngày 14-6, tức chỉ một ngày trước khi Mỹ tiến đánh đảo Saipan. Những người nhái UDT quét sơn xanh lên người họ để ngụy trang trong vùng đầm phá. Làm việc theo từng “đôi bạn thân” họ thả dây câu nặng xuống đáy biển nhằm đo độ sâu, rồi ghi lại các thông số trên một phiến đá thủy tinh buộc ngay trên đầu gối của mình.
Ở vùng nước nông, người nhái biến cơ thể mình thành những cái thước đo, tự sơn cơ thể họ thành những sọc màu đen cứ mỗi 12 inch trên cổ, thân và chân. Hoạt động quanh đảo Saipan và những hòn đảo khác của Thái Bình Dương, người nhái UDT nhận ra rằng đạn của địch thường bay chậm và bắt đầu chìm trong khoảng vài mét dưới mặt biển, cho phép các thợ lặn nín thở và lặn xuống bên dưới loạt đạn.
Một số người nhái đã bắt được những viên đạn chìm trong các ngón tay và cho vào túi quần làm đồ lưu niệm. Số khác sau đó đã khoan một lỗ xuyên qua những viên đạn bắn tỉa, xâu chúng lại và đeo làm dây chuyền. Lúc đó thiết bị lặn hãy còn trong trứng nước. Một ống thở sẽ khiến người nhái bơi chậm lại, vì vậy UDT đã đưa một thợ lặn mò ngọc trai người bản địa Hawaii để dạy người nhái cách nín thở dưới nước.
Để tìm kiếm ngọc trai, những người thợ mò ngọc trai đã ở lâu dưới nước tới 7 phút. Sở dĩ họ đạt đến kỷ lục đó là khi thực hiện trạng thái nửa ngủ đông, các thợ mò trai ngọc đã biết cách thả lỏng cơ thể của mình, bằng cách làm giảm nhịp tim và huyết áp. Nín thở đã trở thành một cuộc thi phổ biến tại căn cứ Maui của UDT. George Morgan có thể nín thở 2 phút 45 giây. Rất ít người nhái có thể đi quá 4 phút mà không bị choáng ngất, song cũng có 1 người nhái nín thở tới 5 phút 5 giây.
Khả năng sáng tạo của người nhái
Do tính chất tiên phong trong công việc mà những người nhái UDT thường buộc phải ứng biến và sáng tạo ra những công cụ mới. Một người nhái đã chế ra cuộn dây câu dùng để đo độ sâu bằng cách hàn các lon sữa bột từ đầu đến cuối, và lắp chúng vào các tấm gỗ nổi trên mặt nước. Trong một thí nghiệm thực địa, một người nhái khác đã nghĩ đến việc giữ cho cầu chì, nắp bắn và que diêm luôn khô trong nước bằng cách gói chúng trong… bao cao su. (Mẹo nhỏ này hoạt động hiệu quả và trở thành một thông lệ tiêu chuẩn.
Người nhái đã xài hàng ngàn bao cao su cho các hoạt động rà phá của họ trước sự kinh ngạc của nhân viên cung ứng hàng hóa của căn cứ Maui). Một thành viên thứ 3 của UDT còn nghĩ ra một cách thông minh khác nhằm ngăn mặt nạ lặn bị mờ: nhổ nước bọt vào mặt nạ, sau đó xoa nó chung với nước biển.
Hàng thập kỷ sau, mẹo chống mờ mặt nạ lặn đã trở thành thông lệ tiêu chuẩn trong số các tay lặn thể thao. Quả là khó khăn cho UDT khi muốn có một số lượng lớn thiết bị. Và mặt nạ cao su có cửa sổ bằng kính đã được dùng chủ yếu cho việc săn cá, lúc đó là một môn thể thao yêu thích. Song cũng chỉ có vài cặp mặt nạ như thế được tìm thấy trong các cửa hàng bán đồ thể thao ở Hawai. Sau đó một sĩ quan bất ngờ đọc một mẩu quảng cáo về các loại mặt nạ lặn trên một tạp chí Mỹ.
Một công văn khẩn cấp đã được gửi tới công ty đồ thể thao và toàn bộ kho hàng của công ty đó đã được bí mật chuyển tới Maui. Vậy bơi bằng cao su cũng hiếm. Chúng được sản xuất lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1939 bởi một người vô địch bơi lội ở Los Angeles tên là Owen Churchill. Nhân chuyến du lịch đảo Tahiti, Owen đã coi những chàng trai địa phương bơi bằng vây bơi cao su được gia cố chắc chắn bằng các dải kim loại (các vây bơi ở Tahiti được làm từ cao su Crepe, một loại mũ cao su được khai thác từ các cây cao su Pará).
Owen tìm tới một nhà phát minh người Pháp (người tự thiết kế cặp vây bơi cho mình) để đàm phán với ông này về một tấm giấy phép mà từ đó giúp họ liên kết sản xuất bây bơi ở Mỹ và đã bán ra 946 cặp vây bơi trong năm 1940. Phần lớn nhờ vào UDT, Owen Churchill đã bán ra hơn 25.000 cặp vây bơi trong suốt chiến tranh. Nếu bất kỳ vây bơi nào bị thất lạc trôi dạt trên bãi biển địch, người Nhật có thể tìm thấy tên của một dấu tem kỳ lạ “Churchills” cùng với địa chỉ của người tạo ra nó ở Los Angeles: đường số 5, địa chỉ số nhà 3215 Tây Los Angeles. Ngoài ra lực lượng người nhái UDT cũng cần đến một lượng lớn dây câu. Trong mệnh lệnh đầu tiên của mình, chỉ huy trưởng của căn cứ Maui đã phái một trong các sĩ quan của mình đến Trân Châu Cảng để lấy 150 dặm dây câu.
Ngoài công việc rà phá và trinh sát quan trọng, George Morgan tin rằng UDT đã tạo ra sự tự tin cho quân xung kích, với cam kết “họ không bị mù, họ biết tỏng thứ mà mình phải đối mặt”. Người nhái UDT đã tham gia vào hấu hết mọi cuộc tấn công đổ bộ tại Nhà hát Thái Bình Dương. Họ bất chấp hỏa lực dữ dội của địch và những vùng biển hiểm để thực hiện trinh sát trong vùng đầm phá Saipan, những bãi cát đen ở Iwo Jima, cá mập lấp ló trong rặng san hô ở Okinawa và thậm chí là vùng biển lạnh giá của vịnh Tokyo.
Căn cứ người nhái Maui, Hawaii
Thời Thế chiến II, Hawaii đóng vai trò là cơ sở huấn luyện, tổ chức và cung cấp chính cho toàn bộ khu vực. Do sự tương đồng về môi trường bên trong Thái Bình Dương mà quần đảo này hoàn toàn thích hợp với các cuộc tập trận tác chiến trong rừng cùng các hoạt động đổ bộ. Trong thời chiến, Maui là trung tâm dàn dựng và cơ sở đào tạo.
Có gần 50 khu vực huấn luyện quân sự khác nhau trên đảo Maui, bao gồm những khóa học bắn lựu đạn thật; các trường bắn súng lục, súng trường và súng máy; một khu vực súng bazooka; một khu vực tìm hiểu tác động của súng cối và pháo binh; một trận địa pháo trên biển; một khu vực bắn phòng không; các trường bắn chiến đấu để cơ động và bắn xe tăng cùng sự phối hợp đơn lẻ với bộ binh. Maui cũng có các khu vực huấn luyện rộng lớn trong rừng và làng bản mô phỏng, cùng những khóa thực hành chiến đấu trong hang động. Việc huấn luyện được thực hiện cả ngày và đêm, và có thể nhìn thấy những đồn lũy 2 lớp trên khắp hòn đảo.
Mặc dù có nhiều đơn vị ở Maui, song hòn đảo này lại là ngôi nhà của Sư đoàn thủy quân lục chiến số 4 (“Thủy quân lục chiến Maui"). Công trình xây dựng Trại Maui được bắt đầu vào tháng 2-1944. Trại làm nơi cư trú của 18.000 lính thủy đánh bộ của Sư đoàn 4 trong 2 năm. Maui có 2 trạm không hải quân: NAS Pu Unene (sân bay Maui) được đưa vào hoạt động từ năm 1942, và NAS Kahului xây dựng năm 1943.
NAS Pu Unene gồm các cơ sở huấn luyện, các kho đạn dược và bom, và năng lực cho toàn bộ một nhóm tàu sân bay. Năm 1943, Pu Unene cũng cung cấp các chương trình đào tạo và huấn luyện nâng cao cho các phi công lái chiến cơ, oanh tạc cơ ném ngư lôi và chiến cơ ném bom bổ nhào. Cuối cùng, Maui trở thành nơi huấn luyện đơn lẻ lớn nhất cho các nhóm không hải quân Mỹ.
Những khu huấn luyện đổ bộ mọc lên khắp Thái Bình Dương. Ở Maui, các hoạt động này xoay quanh những vùng nước được bảo vệ và những bãi biển tự do chạy dọc theo duyên hải phía Nam từ cảng Malaea (hoặc Buzz's) đến khu đổ bộ Makena. Những địa điểm huấn luyện cũng bao gồm Miệng núi lửa Molokini. Công viên Kamaole ở Kihei là địa điểm thời chiến dùng cho Căn cứ thí nghiệm và huấn luyện phá hủy chiến đấu hải quân (UDT), và đối diện là Trung tâm đào tạo đổ bộ Maui, một khu vực hoạt động đầu não.
Một cầu cảng dài nối thẳng ra biển dùng cho các cuộc tập trận. Tàu lớn từ Trân Châu Cảng và Kahului đã tập trung trong vịnh Malaea trong các hoạt động huấn luyện trước các cuộc giao tranh lớn ở Thái Bình Dương, như cuộc xâm lược Tarawa (tháng 11-1943), Roi-Namur (tháng 1-1944), Saipan (tháng 6-1944), và Iwo Jima (tháng 2-1945).