Hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép chưa đủ tính hợp lệ
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, việc điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu là vấn đề quan trọng nên cần phải được đánh giá một cách khách quan.
Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn trong nước đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu (Chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ). Thông tin này tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều trong chính nội bộ ngành thép.
Bên đề nghị điều tra thì mong muốn cơ quan nhà nước có biện pháp hỗ trợ chính đáng và công bằng cho doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước. Bên không ủng hộ thì lo lắng nếu áp dụng biện pháp chống phá giá với HRC nhập khẩu sẽ gây “ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực” đối với toàn ngành thép trong nước và các ngành tiêu thụ liên quan.
Vẫn cần nhập khẩu thép HRC
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết, thép cuộn cán nóng (HRC) là sản phẩm đặc biệt quan trọng đối với ngành thép. Đây là nguyên liệu đầu vào của nhiều sản phẩm thép thành phẩm phục vụ trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí, chế tạo.
Trong năm 2023, cả nước sản xuất khẩu 6,7 triệu tấn thép HRC, nhập khẩu khoảng 9,6 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 3,4 triệu tấn. So với năm 2022, lượng tiêu thụ HRC của năm 2023 tăng khoảng 10%. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, lượng tiêu thụ thép HRC đạt 1,274 triệu tấn, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhu cầu HRC tập trung chủ yếu ở các công ty sản xuất tôn mạ, tôn màu vì đều phải dùng HRC làm nguyên liệu đầu vào chính (nhu cầu khoảng 4 triệu tấn/năm). Ngoài ra, các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, đóng tàu, sản xuất thép ống cũng là những ngành tiêu thụ phần lớn sản phẩm thép cán nóng.
Theo Cục Công nghiệp, hiện cả nước có 2 doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng là Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa với tổng công suất có thể đạt 8,5 triệu tấn/năm. Lượng sản xuất và tiêu thụ của Hòa Phát và Formosa chiếm khoảng 40 - 45% tổng tiêu thụ trên thị trường.
Trong thời gian tới, khi dự án thép Dung Quất 2 (Quảng Ngãi) của Hòa Phát đi vào hoạt động (công suất 5 triệu tấn HRC/năm), tổng công suất sản xuất HRC của Hòa Phát sẽ là 8 triệu tấn/năm (chiếm 72,72% nhu cầu thị trường nội địa). Tổng công suất thiết kế HRC cả nước sẽ đạt khoảng 12 triệu tấn/năm.
“Như đã nêu ở trên, sản phẩm HRC trong nước hiện có 2 nhà sản xuất, với cơ cấu và khối lượng sản phẩm chưa đáp ứng 100% nhu cầu đầy đủ để sản xuất sản phẩm thép trong nước nên vẫn cần thiết phải nhập khẩu” - Cục Công nghiệp cho biết.
Về hiện trạng nhập khẩu, Cục Công nghiệp cho hay, trong năm 2023 Việt Nam nhập khẩu khoảng 13,3 triệu tấn sản phẩm thép các loại. Riêng đối với sản phẩm HRC là khoảng 9,6 triệu tấn. Các quốc gia xuất khẩu thép chính vào Việt Nam gồm: Trung Quốc (62%), Nhật Bản (14%), Hàn Quốc (8,3%)... Trong đó Trung Quốc vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất cho thị trường Việt Nam.
“Các nhà máy sản xuất thép trong nước, bao gồm cả thép HRC, đều đã áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm trong nước và quốc tế vào quá trình sản xuất như TCVN, JIS, ASTM... và các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Như vậy, về chất lượng sản phẩm chúng tôi đánh giá là hàng tương đương với sản phẩm nhập khẩu. Với các sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, việc nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung sản xuất trong nước là tất yếu” - Cục Công nghiệp đánh giá.
Hồ sơ chưa đủ tính hợp lệ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận và đang tiến hành thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC. Tuy nhiên, sơ bộ ban đầu, hồ sơ chưa đủ tính hợp lệ và Cục đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp sửa, bổ sung thông tin.
“Kết quả thẩm định hồ sơ sẽ được thông báo cho các bên liên quan theo quy định” - lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho biết.
Cục Công nghiệp cũng cho hay đã nắm được thông tin về việc một số doanh nghiệp thép nộp đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC từ một số quốc gia. Từ góc độ quản lý về sản xuất thép, Cục Công nghiệp đánh giá đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất gang thép và các ngành tiêu thụ thép HRC như cơ khí chế tạo, ô tô, tôn mạ... nên cần phải được đánh giá một cách khách quan.
“Việc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép (nếu có) sẽ do cơ quan phòng vệ thương mại xem xét và quyết định theo thẩm quyền. Trong thời gian tới, với vai trò là đơn vị phối hợp, Cục Công nghiệp sẽ làm việc chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để đảm bảo thị trường thép HRC phát triển lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, bao gồm doanh nghiệp sản xuất HRC và doanh nghiệp sử dụng HRC” - Cục Công nghiệp cho hay.
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất tôn thép trong nước đã gửi văn bản hỏa tốc đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương để nêu quan điểm về đề xuất trên. Các doanh nghiệp này lo lắng nếu khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tiêu cực và nghiêm trọng trong toàn ngành thép.
Theo các doanh nghiệp này, thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam không có hành vi bán phá giá, cũng không gây thiệt hại cho ngành sản xuất HRC Việt Nam.
AN HIỀN