Hổ tấn công khiến 3 người thiệt mạng ở Indonesia
Malaysia đã bắt đầu bẫy và di dời hổ sau khi 3 người bị loài động vật cực kỳ nguy cấp này giết chết trong hai tháng qua, theo giới chức nước này cho biết hôm thứ Năm (7/12).
Mười một bẫy lồng và 20 camera đã được lắp đặt trong những tuần gần đây tại khu vực rừng thuộc quận Gua Musang, bang Kelantan phía đông bắc Malaysia, nơi xảy ra các vụ tấn công chết người.
Mohamad Hafid Rohani, Giám đốc Sở Động vật hoang dã và Công viên Quốc gia ở Kelantan, nói với AFP rằng đã có 5 vụ tấn công khiến 4 người thiệt mạng ở Gua Musang kể từ năm 2021. Ba trong số các vụ chết người xảy ra vào tháng 10 và tháng 11 năm nay.
Ông Hafid nói: “Chúng tôi rất lo ngại. Đây là vụ tử vong tồi tệ nhất liên quan đến hổ trong nhiều thập kỷ ở Malaysia”.
Những cái bẫy ngụy trạng trong lá cọ đã được đặt ở những "điểm nóng" nơi xảy ra các cuộc tấn công. Những con dê sống được nhốt trong các chuồng gần đó để dụ hổ vào bẫy bằng tiếng kêu của chúng.
Hổ Mã Lai được nhóm bảo vệ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xếp vào loại cực kỳ nguy cấp. Theo ước tính chỉ còn ít hơn 150 con còn sót lại trong tự nhiên. Ông Hafid cho biết ước tính có 35 con hổ sống ở Kelantan.
Các vụ hổ tấn công con người rất hiếm khi xảy ra, nhưng những sự cố như vậy được biết là xảy ra ở những khu vực có sự phát triển lấn chiếm môi trường sống của động vật.
Tháng trước, một con hổ cái đã bị mắc kẹt và được đưa đến Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã quốc gia ở bang Perak lân cận.
Hai trong số những người thiệt mạng kể từ năm 2021 là công nhân đồn điền trong khi những nạn nhân còn lại là cư dân, theo Giám đốc cảnh sát Gua Musang Sik Choon Foo cho biết.
Ông Choon Foo cho biết đã khám nghiệm tử thi các nạn nhân và "dấu chân hổ" được tìm thấy tại hiện trường mỗi vụ giết người đều chỉ ra thủ phạm là những con hổ.
Các quan chức bảo vệ động vật hoang dã đã cảnh báo người dân nên ở trong nhà hoặc đi ra ngoài theo nhóm.
Khoảng 3.000 con hổ Mã Lai từng lang thang trong rừng rậm của nước này vào những năm 1950 và loài hổ này được coi là động vật quốc gia của Malaysia.
Nhưng số lượng của chúng đã giảm trong nhiều thập kỷ do mất môi trường sống vì sự phát triển và mở rộng nông nghiệp, cũng như nạn săn trộm.
Giám đốc quốc gia Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Mark Rayan Darmaraj cho biết một lý do dẫn đến các vụ tấn công con người có thể là do sự suy giảm số lượng lợn rừng - một trong những con mồi chính của hổ - do Dịch tả lợn châu Phi.
Rayan cho biết việc di dời đàn hổ là một "tình huống đáng buồn", nhưng đó là "biện pháp thiết thực nhất" đối với những sinh vật được xác nhận là đã tấn công hoặc giết chết con người để ngăn chúng tấn công lần nữa.
Mai Anh (theo AFP, CNA)