Hồ Tây ô nhiễm từng ngày, dự án nạo vét trăm tỷ 'nằm im' trên giấy suốt 6 năm
Dự án Nạo vét hồ Tây có trị giá hơn 336 tỷ đồng được phê duyệt từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn 'nằm im' trên giấy. Số phận dự án về đâu vẫn chưa ai biết?!
Cuối tháng 10/2024, dọc các tuyến phố quanh hồ Tây (Hà Nội) như phố Thanh Niên, Nguyễn Đình Thi, Trích Sài... cá chết nổi trắng mặt hồ, bốc mùi hôi thối khó chịu. Cơ quan chức năng cho biết đã vớt được 5 tấn xác cá chết trên hồ Tây trong đợt này.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, gần như mỗi năm đều có hiện tượng này.
Theo các chuyên gia về môi trường, để hạn chế ô nhiễm hồ Tây nhất thiết phải bố trí các trạm quan trắc và thực hiện tần suất quan trắc cao đặc biệt vào những khi chuyển mùa. Đặc biệt, cần định kỳ nạo vét lòng hồ để hạn chế tích tụ chất hữu cơ dưới nền đáy và tăng sự lưu thông, sự xáo động nước, để không xảy ra hiện tượng “lật đáy”. Tuy nhiên, hồ Tây nhiều năm qua lại bị "bỏ quên" việc nạo vét bùn, xử lý môi trường quan trọng này.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt dự án nạo vét bùn hồ Tây. Đây là dự án nhóm B, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội (nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố - BQLDA). Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước hồ Tây, đảm bảo chiều sâu mực nước phục vụ các hoạt động giải trí dưới nước, giao thông thủy nội địa; đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị của hồ Tây.
Dự án đưa ra giải pháp nạo vét bùn hồ Tây thành các khu vực. Khu vực sát bờ không thực hiện nạo vét, chỉ tiến hành vệ sinh thanh thải. Khu vực 2 (từ bờ ra hồ 12m) sử dụng gầu đào để nạo vét. Khu vực 3 (là trung tâm hồ) tiến hành nạo vét bằng tàu hút thủy lực. Đồng thời xây dựng các khối bể lắng tạm thời trong hồ để tách nước làm khô bùn trước khi chuyển về bãi đổ.
Tổng giá trị dự án hơn 336 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2018-2019.
UBND thành phố Hà Nội nhận định, quá trình thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ; có nguy cơ dẫn đến ảnh hưởng đến các sinh vật nhạy cảm, gây sự cố chết cá và động vật thủy sinh trong hồ. Do đó, yêu cầu BQLDA có trách nhiệm nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các giải pháp thi công phù hợp để bảo vệ, đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái hồ...
'Chưa nạo vét một khối bùn nào'
Trong khi dự án đặt ra mục tiêu rõ ràng để bảo vệ môi trường cho hồ tự nhiên lớn nhất trung tâm Hà Nội thế nhưng suốt 6 năm qua, đây vẫn chỉ là một dự án treo.
Một vị đại diện BQLDA cho biết, dự án Nạo vét hồ Tây hiện vẫn chỉ "trên giấy", mới thiết kế xong dự án, chưa tiến hành các bước tiếp theo để triển khai thi công. "Hiện chúng tôi chưa triển khai nạo vét một khối bùn nào", vị này khẳng định.
Theo tìm hiểu của PV, đến năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo thống nhất về nguyên tắc tạm dừng thực hiện dự án nạo vét hồ Tây.
Cụ thể, lãnh đạo thành phố giao BQLDA chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại tính hiệu quả, khả thi, đề xuất phương án xử lý đối với dự án.
UBND thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND Thành phố quyết định.
Đến nay, BQLDA, Ban quản lý Hồ Tây (quận Tây Hồ) đều chưa biết dự án nạo vét hơn 336 tỷ đồng sẽ đi về đâu, trong khi nước hồ Tây vẫn đang ô nhiễm từng ngày.
Hồ Tây (quận Tây Hồ) là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía Tây Bắc trung tâm Hà Nội. Hồ rộng hơn 500 ha với chu vi khoảng 15 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng. Nghiên cứu của quận Hồ Tây cho thấy hệ thủy sinh vật Hồ Tây khá đa dạng về thành phần loài, với 72 thực vật nổi, 47 loài tảo bám đáy, 37 loài động vật nổi, 29 loài động vật đáy (thuộc nhóm tôm, cua, trai, ốc, giun...), 12 loài giáp xác, 46 loài cá. Theo một đơn vị tư vấn, muốn làm sạch Hồ Tây phải nạo vét khoảng 1,2 triệu khối bùn.