Hờ Thủy, phụ nữ Ba Na vượt lên số phận
Hờ Thủy (trái) chăm sóc con gái Hờ Miu. Ảnh: Ảnh: BÁ THUYẾT
Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được chị - một người phụ nữ dân tộc Ba Na, trụ cột của một gia đình chịu nỗi đau chất độc da cam, vượt lên số phận. Đó là chị Hờ Thủy ở thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh.
Số phận nghiệt ngã
Trong ngôi nhà nhỏ được Nhà nước xây cho đồng bào tái định cư khi triển khai dự án Thủy điện Sông Hinh năm 1995; chưa kịp lau mồ hôi, người phụ nữ Ba Na với khuôn mặt sạm nắng, trải chiếc chiếu xuống nền nhà, pha nước đon đả mời chúng tôi uống. Trong câu chuyện, chúng tôi cảm thấu những bi cực, vui buồn của cuộc đời chị khi phải chịu hậu quả khốc liệt của chất độc da cam.
Chị là con út trong gia đình 5 anh em, là con của già làng Ma Doanh, 86 tuổi, một cựu chiến binh có nhiều thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Hờ Thủy có đến hai đứa con mang di chứng chất độc da cam. Năm 2008, vợ chồng chị sinh cháu gái đầu là Hờ My, năm 2012 tiếp tục sinh Hờ Miu. Những tưởng cuộc sống tuy nghèo nhưng sẽ hạnh phúc, nhưng những rạn nứt dẫn đến đổ vỡ bắt đầu khi Hờ Miu nằm một chỗ do di chứng chất độc da cam nặng nề; Hờ My nhìn có vẻ bình thường nhưng lại thiểu năng trí tuệ.
Tuy ông Ma Doanh và Hờ Miu được hưởng trợ cấp của Nhà nước nhưng chi phí thuốc men cho 3 người bệnh, cộng với thu nhập quá thấp nên mọi cố gắng của đôi vợ chồng trẻ không thể bù đắp lỗ hổng đói nghèo quá lớn. Trong lúc hoạn nạn ấy, chồng của Hờ Thủy không chịu thương chịu khó, đã bỏ đi để lại con thơ bệnh tật cho Hờ Thủy.
Vừa phải chăm sóc cha già và hai đứa con bệnh đau, vừa phải lao động mưu sinh trong điều kiện một vùng quê còn nghèo khó, công việc ít, giá trị ngày công thấp, nên gánh nặng trên vai người phụ nữ Ba Na ấy rất nặng nề.
Nỗ lực vượt lên số phận
Theo chị Lê Thị Trúc Thư, cán bộ thương binh, xã hội xã Đức Bình Đông, mỗi tháng, ông Ma Doanh, cháu Hờ Miu và người nuôi dưỡng được trợ cấp 3,675 triệu đồng; cháu lớn Hờ My đã đi giám định nhiều lần nhưng chưa đạt tiêu chí để hưởng trợ cấp. Trong nhà Hờ Thủy không có gì đáng giá, ngoại trừ chiếc xe máy cũ kỹ là phương tiện cơ động hàng ngày. “Chị em thôn Bình Giang thường xuyên quan tâm thăm hỏi, tạo điều kiện giúp đỡ Hờ Thủy. Nhất là dịp lễ, Tết, có phần quà nào cũng thường ưu tiên cho cụ Ma Doanh, cháu Hờ Miu để động viên gia đình Hờ Thủy”, chị Hờ Nguyệt, Phó thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông nói.
Để duy trì cuộc sống giữa bộn bề lo toan, mỗi ngày Hờ Thủy trải qua bao vất vả. “Hàng ngày, em thức dậy từ 3 giờ sáng, lo vệ sinh cho con út, cho cha, giặt giũ cơm nước, đưa con gái lớn đến trường, tranh thủ đi làm ca sáng, ca chiều đến tối mịt, rồi về nhà vật lộn với những công việc không tên. Đó là khi bình thường, những hôm con và cha đau nặng không ngủ được, em rất mệt. Nhiều lúc nản lòng muốn buông bỏ, nhưng nhìn con, nhìn cha lại nuốt nước mắt, gắng sức thêm nữa. Nói thật với các anh chị, em không dám bệnh, không được bệnh!”, Hờ Thủy tâm sự.
Mặc dù đã được chị em, cô bác trong thôn hết lòng giúp đỡ, nhưng chỉ bớt được phần nào, gánh nặng nghèo khó bệnh tật cứ đeo đẳng, đè lên vai Hờ Thủy hơn 8 năm nay. Rời thôn Bình Giang mà hình ảnh về những khốn khó của người phụ nữ Ba Na này đã, đang và sẽ phải vượt qua, chúng tôi không khỏi day dứt thương tâm, cầu mong chị luôn có sức khỏe để vượt lên những gian truân, khổ hạnh.
Hoàn cảnh chị Hờ Thủy vô cùng khó khăn, vừa phải chăm sóc 3 người đau bệnh vì ảnh hưởng chất độc da cam, vừa phải lao động kiếm sống. Chị là một phụ nữ kiên cường, không gục ngã trước khó khăn, luôn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, chiến thắng số phận. Chị là tấm gương vượt khó của phụ nữ địa phương.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/240733/ho-thuy-phu-nu-ba-na-vuot-len-so-phan.html