Hồ tiêu Việt Nam tìm đường chinh phục thị trường Pháp
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu trên thế giới. Thị trường Pháp với những tiêu chuẩn nhập khẩu vô cùng khắt khe nhưng được đánh giá có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Đây là ý kiến của cả các doanh nghiệp khẩu Việt Nam và các doanh nghiệp nhập khẩu Pháp đưa ra tại Hội thảo Giao thương ở Paris ngày 14/10.
Tham dự hội thảo do Hiệp hội Hồ tiêu phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Pháp và Phòng Thương mại và Công nghiệp vùng thủ đô Ile-de-France tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, có gần 20 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam và nhiều nhà nhập khẩu và phân phối lớn ở Pháp như Intermaché, Auchan hay Công ty Hồ tiêu Gia vị Printemps.
Đây là lần đầu tiên một hiệp hội hàng nông sản Việt Nam tham gia trực tiếp vào làm việc kết nối giữa người mua hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều bước phát triển ấn tượng trong hơn 30 năm qua, là nền kinh tế thứ 3 khu vực Đông Nam Á năm 2022. Hơn nữa, Việt Nam xếp thứ hai trên thế giới về GDP, với mức tăng trưởng hằng năm duy trì ổn định trên 7%. Các hoạt động kinh doanh năng động và sức tiêu dùng trong nước ngày càng tăng. Với 15 Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực vào đầu năm 2022, Việt Nam trở thành một phần của mạng lưới kinh tế rộng lớn của các đối tác quốc tế.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Pháp là một thị trường lớn và đầy tiềm năng với nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm gia vị và hồ tiêu ngày càng tăng cao. Tiếp nối thành công của ngành nông nghiệp Việt Nam với sự đón nhận tích cực của người tiêu dùng Pháp nói riêng và thị trường châu Âu nói chung đối với các nông sản quen thuộc của Việt Nam như gạo và vải thiều, hồ tiêu Việt Nam được kỳ vọng sẽ sớm xuất hiện trên các gian hàng của những hệ thống phân phối lớn nhỏ tại thị trường khó tính này.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết Pháp là thị trường hồ tiêu quan trọng lớn thứ tư của Việt Nam sau Đức, Anh và Hà Lan. Với những tiêu chuẩn gắt gao, Pháp sẽ đóng vai trò như một "phễu lọc," mở ra nhiều cơ hội tiếp cận và kinh doanh tại những thị trường lớn khác cho hồ tiêu Việt Nam.
Thông qua các nhà nhập khẩu và phân phối của Pháp, hồ tiêu Việt Nam sẽ có cơ hội được củng cố thương hiệu cũng như tăng cường sự hiện diện trong hệ thống siêu thị cũng như bữa ăn hằng ngày của người tiêu dùng Pháp.
Giá bán hồ tiêu sẽ phụ thuộc vào chủng loại hạt cũng như chất lượng của hạt. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam sẽ luôn nỗ lực định hình phân khúc các sản phẩm, bên cạnh việc tăng cường giá trị gia tăng cho hồ tiêu Việt Nam, giúp các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam có thêm điều kiện để san sẻ với người nông dân trong sản xuất, trồng trọt, thu hoạch, hướng tới một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Đánh giá Pháp nói riêng và châu Âu nói chung là điển hình của các thị trường có giá trị gia tăng có khả năng góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho ngành hồ tiêu Việt Nam, ông Lê Đức Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak), tin tưởng rằng, với uy tín và chất lượng sản phẩm được công nhận bởi nhiều quốc gia, hồ tiêu Việt Nam sẽ sớm chinh phục được người tiêu dùng tại thị trường khó tính này.
Còn các doanh nghiệp nhập khẩu Pháp coi cuộc gặp gỡ này là dịp để tìm hiểu khả năng tiếp cận nguồn cung cấp trực tiếp từ Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, ông Gregoire Courme, đại diện Công ty sản phẩm gia vị và tinh dầu Aromatum, cho biết doanh nghiệp này trước đây chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Madagascar et Tanzania. Diễn đàn này là một cơ hội tốt để công ty Aromatum tìm hiểu về sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam đang ngày càng có sức hút trên thị trường.
Ông Arnaud Vincent, Giám đốc điều hành Công ty Hồ tiêu và Gia vị Printemps cũng đánh giá cao hoạt động xúc tiến thương mại này trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế lương thực thực phẩm 2022 diễn ra từ ngày 15-19/10 tại Paris (Pháp), giúp cho các doanh nghiệp hai nước có thể tận dụng cơ hội gặp gỡ đối tác và bứt phá trong xuất khẩu trong tương lai.
Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới đang nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn, việc ký kết thành công Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành hồ tiêu Việt Nam. EVFTA sẽ là động lực tốt để các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu vào các nước châu Âu, khi chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn chung của toàn khối, là có thể xuất khẩu sang thị trường này.
Ngành hồ tiêu Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội phát triển, khi các nhà đầu tư trong khối Liên minh châu Âu chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam tranh thủ nguyên liệu và nhân công giá rẻ.
Các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam đều rất mạnh và đang xuất khẩu được rất nhiều. Dù vậy, ông Vũ Anh Sơn, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho rằng hiện nay là thời điểm chín muồi để các để ngành hồ tiêu Việt Nam đầu tư phát triển thương hiệu.
Phát triển thương hiệu đòi hỏi một hướng đi hoàn toàn khác so với bán sỉ trước đây và Pháp là một thị trường rất phù hợp để làm thương hiệu. Đây là lần đầu tiên một hiệp hội Việt Nam tìm cái hướng đi mới trong cách tiếp cận đối tác, hướng tới xây dựng thương hiệu bền vững.
Ông Vũ Anh Sơn nhấn mạnh, hội thảo giao thương này là khởi đầu cốt lõi để hướng tới xây dựng thương hiệu. Đây là thông điệp về sự chuyên nghiệp có bài bản và phát triển bền vững mà Thương vụ Việt Nam tại Pháp luôn muốn thúc đẩy. Việc này cần phải được bắt đầu từ các hiệp hội.
Đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các nhà nhập khẩu - phân phối Pháp tin tưởng rằng, với chất lượng ngày càng được nâng cao, hồ tiêu Việt Nam sẽ sớm được đón nhận tại các hệ thống phân phối lớn nhỏ tại Pháp cũng như thị trường châu Âu.