Hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV: Góp phần giảm thiểu nguồn lây
Mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 về hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) và chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng vi rút HIV (ARV) cho người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thuộc mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh. Những mức hỗ trợ của nghị quyết sẽ giúp người nhiễm HIV an tâm tham gia điều trị ARV, đồng thời góp phần tích cực cho công tác phòng, chống HIV trên địa bàn tỉnh.
An tâm điều trị bệnh
Theo Nghị quyết số 04, đối tượng được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT là: Người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thuộc mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh chưa có thẻ BHYT, có đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh Khánh Hòa; hỗ trợ 100% chi phí cùng chi trả thuốc kháng vi rút HIV sau khi trừ chi phí do BHYT thanh toán cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT đang điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thuộc mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh và có đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại tỉnh Khánh Hòa.

Cấp phát thuốc ARV cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Chị Nguyễn Thị T. (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) phát hiện nhiễm HIV được 3 năm. Nguồn lây cho chị từ người chồng nghiện tiêm chích ma túy. Trong 2 năm đầu, với sự hỗ trợ từ Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV, vợ chồng chị được hỗ trợ mua BHYT. Tuy nhiên, từ tháng 10-2024, dự án không còn hỗ trợ, vợ chồng chị T. phải tự mua BHYT. “Vợ chồng đều làm thuê, chạy ăn từng bữa. Do phải uống thuốc ARV hằng ngày nên dù khó khăn vợ chồng tôi phải ráng mua BHYT để giảm bớt chi phí điều trị HIV. Tuy nhiên, nhà có 4 người nên tiền mua BHYT cho cả gia đình khá nhiều. Nhận được thông tin những người nhiễm HIV sẽ được hỗ trợ mua BHYT từ nguồn ngân sách địa phương, tôi rất mừng bởi sự hỗ trợ này rất thiết thực, giúp gia đình tôi giảm được một nửa số tiền mua BHYT”.
Anh Nguyễn Thành C. (TP. Nha Trang) nhiễm HIV gần 6 năm từ bạn tình đồng giới. Tuy nhiên, do sợ bị kỳ thị, anh C. tham gia điều trị ARV không đều, dẫn tới anh bị kháng thuốc ARV phác đồ điều trị bậc 1, phải chuyển sang điều trị phác đồ bậc 2. “Ở phác đồ này, tiền thuốc rất cao. Một đơn thuốc điều trị cho 35 ngày gần 2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí do BHYT thanh toán tôi phải đóng gần 300.000 đồng. Với người làm công việc chạy xe công nghệ như tôi, đây là số tiền không nhỏ. Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, chúng tôi được tỉnh hỗ trợ chi trả hoàn toàn khoản này nên tôi rất mừng”, anh C. chia sẻ.
Theo một số người nhiễm HIV, nhờ duy trì đều đặn điều trị bằng thuốc ARV nên công việc và sinh hoạt hằng ngày của họ không bị xáo trộn. Có BHYT, họ gần như không phải đóng thêm khoản phí nào khi nhận thuốc hằng tháng (theo phác đồ điều trị bậc 1) từ cơ sở điều trị. Nếu mua ở ngoài, số tiền họ phải trả khoảng 1 triệu đồng/tháng.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Khi người nhiễm HIV không có BHYT họ sẽ gặp khó khăn về tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Khi đó, công tác điều trị sẽ tốn kém gấp nhiều lần, dẫn tới công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn. Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh đã giúp giải quyết những khó khăn này, góp phần giúp người nhiễm HIV an tâm điều trị, vừa hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn”.
Đồng bộ nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
Tại Khánh Hòa, những năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn được ngành Y tế và các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm sâu sát. Bên cạnh việc đẩy mạnh mô hình xét nghiệm HIV online thông qua website "tuxetnghiem.vn" của Bộ Y tế, ngành Y tế còn triển khai đồng bộ nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được một số kết quả tích cực.
Theo đó, năm 2024, số người nghiện chích ma túy được tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm sạch là gần 790 người; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho hơn 291 người; số người điều trị trước phơi nhiễm HIV ít nhất 1 lần là 320 người; gần 1.260 người nhiễm HIV đang tham gia điều trị ARV… Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiều buổi truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho hàng nghìn hội viên, người dân trong cộng đồng, trong đó có 13 buổi truyền thông nhóm cho hơn 200 đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới; phối hợp với gần 10 trường học cấp THCS và THPT tổ chức các buổi truyền thông về tác hại của thuốc lá, dịch bệnh, trong đó có bệnh HIV/AIDS cho gần 5.000 học sinh. Đồng thời, thực hiện tư vấn và xét nghiệm HIV cho hơn 40.180 lượt người, qua đó phát hiện 84 người dương tính với HIV; mô hình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho hơn 11.000 lượt phụ nữ mang thai, qua đó phát hiện có 3 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và cả 3 đều được điều trị thuốc ARV kịp thời…
Riêng trong quý I/2025, các cơ sở y tế trong tỉnh đã thực hiện tư vấn và xét nghiệm HIV cho hơn 15.960 người; thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho hơn 280 người; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho 374 người; số người nhiễm HIV mới được phát hiện là 32 (bằng số mắc so với cùng kỳ năm ngoái), không có bệnh nhân AIDS mới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.530 trường hợp nhiễm HIV còn sống và được quản lý tại các địa phương; trong đó 82,6% số người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV…
Từ nay đến cuối năm, ngành Y tế tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo về công tác phòng, chống HIV/AIDS của các cấp ủy, chính quyền; tăng cường phát hiện người nhiễm HIV và kết nối điều trị. Đồng thời, nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, kiểm soát tải lượng vi rút; đẩy mạnh truyền thông điều trị dự phòng trước phơi nhiễm; duy trì tốt hệ thống xét nghiệm khẳng định HIV và xét nghiệm HIV thông qua hệ thống online.