Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng: Tập trung cho vùng khó khăn
3 năm qua, nhờ chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, đã có hàng nghìn đất sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi cây trồng, đem lại thu nhập cao cho nông dân. Giai đoạn tiếp theo, chính sách này sẽ ưu tiên cho vùng khó khăn.
Hiệu quả của việc chuyển đổi
Giai đoạn 2017 - 2020, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh có 7 nội dung hỗ trợ. Đó là: chuyển đổi cây trồng, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi tập trung; xây dựng, cải tạo cơ sở giết mổ gia súc gia cầm; sản xuất diêm nghiệp; ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, hầu như chỉ có nội dung chuyển đổi cây trồng được người dân tiếp cận nhiều hơn cả. Cụ thể, trong số gần 50 tỷ đồng ngân sách nhà nước thực hiện chính sách này trong giai đoạn 2017 - 2020, có trên 96% số tiền được dùng để hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng. Trong đó, có 334ha cây hàng năm kém hiệu quả được nông dân chuyển sang trồng các loại rau, đậu. Nổi bật trong số này là 40.000m2 đất lúa 1 vụ xen lẫn trong khu dân cư ở xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa đã được 2 tổ hợp tác nơi đây chuyển sang trồng hẹ. Kết quả 2 năm qua, cứ mỗi 1.000m2 trồng hẹ cho nông dân thu nhập tới 60 triệu đồng/năm, gấp 10 lần so với trồng lúa.
Với cây lâu năm, nhờ chính sách hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, người dân đã mạnh dạn cải tạo vườn rẫy tạp sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh đã có thêm 895ha sầu riêng, 355ha bưởi, 187ha xoài, 49ha chôm chôm, 35ha mít… đang phát triển tốt, một số diện tích đến nay đã cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với vườn rẫy tạp trước kia. Phong trào chuyển đổi cây trồng trên đất trồng cây lâu năm phát triển mạnh mẽ nhất trên địa bàn huyện Khánh Sơn khi nơi đây có hơn 1.000ha vườn rẫy tạp đã được chuyển sang trồng cây ăn quả. Hiệu ứng chuyển đổi lan tỏa đến các thôn bản, trong từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp (Khánh Sơn), chỉ trong 3 năm gần đây, nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi từ vườn rẫy các loại cây kém hiệu quả sang trồng hơn 100ha sầu riêng, nâng tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn xã lên 226ha. Hơn 30ha trong số này đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng cho các hộ nông dân, trong đó có cả những hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một sự đổi mới rất đáng phấn khởi và cần nhân rộng.
Ưu tiên vùng khó khăn
Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn sẽ theo hướng giảm diện tích và tăng mức hỗ trợ, đồng thời chỉ triển khai chính sách này trên địa bàn cấp xã thuộc vùng khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, nếu như giai đoạn 2017 - 2020, diện tích tối thiểu chuyển đổi được hỗ trợ là 2ha đối với cây hàng năm và 5ha đối với cây lâu năm, thì giai đoạn tới cần giảm xuống còn 1ha đối với cây hàng năm và 3ha với cây lâu năm.
Đối với mức hỗ trợ, Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (trước đó là 50%); hỗ trợ 50% chi phí xây dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm (trước là 30%). Mức hỗ trợ tối đa cũng được đề xuất tăng gấp đôi so với trước, cụ thể là 20 triệu đồng/ha đối với cây lâu năm và 40 triệu đồng/ha cây hàng năm.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi hơn 8.000ha cây trồng. Trong đó, vùng khó khăn dự kiến chuyển đổi 4.576ha. Ngân sách nhà nước dự kiến chi khoảng 274 tỷ đồng để thực hiện chính sách này cho người dân vùng khó khăn.
Hồng Đăng