Hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020
Những năm qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), bao gồm: tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), bao gồm: tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Từ năm 2008 đến nay, đã có 673 cơ sở, doanh nghiệp trên toàn tỉnh bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT với tổng số tiền gần 16,4 tỷ đồng. Cùng với phát triển, các cơ quan chuyên môn còn yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp phải khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm trong thời hạn quy định; giao chính quyền địa phương nơi cơ sở hoạt động đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc khắc phục vi phạm của cơ sở. Nhờ đó, các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm đã nâng cao ý thức, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT. Theo báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020 cùng thực tế quản lý Nhà nước về BVMT năm 2021 trong các cơ sở, doanh nghiệp cho thấy: việc chấp hành quy định pháp luật về BVMT trong cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có chuyển biến tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn thực hiện tương đối đầy đủ các thủ tục về môi trường, có các biện pháp, công trình BVMT. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của một số cơ sở, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, cụm công nghiệp, làng nghề còn hạn chế như: nước thải, khí thải sau xử lý còn có thông số chưa đạt quy chuẩn môi trường cho phép; thực hiện chưa đúng quy định về khu vực lưu giữ chất thải nguy hại; thực hiện chưa đúng tần suất và thông số quan trắc môi trường; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về môi trường theo quy định…
Theo Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường), việc chấp hành pháp luật về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ còn tồn tại các bất cập, hạn chế có nguyên nhân chính là ý thức, trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn do những bất cập từ hành lang pháp lý. Luật BVMT năm 2014 trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo với một số văn bản quy phạm pháp luật khác; một số điều, khoản của Luật thiếu tính khả thi dẫn đến việc áp dụng, thực thi công tác quản lý BVMT của các ngành, các địa phương (trong đó có công tác quản lý BVMT tại các cơ sở, doanh nghiệp) còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể Luật BVMT năm 2014 có quy định chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Tài nguyên nước và Khoáng sản, Luật Thủy sản, Luật Đê điều...; cùng một nội dung nhưng nhiều cơ quan quản lý khiến các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hồ sơ về BVMT. Hệ thống chính sách, các quy định hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn còn chưa hoàn thiện; thiếu các hướng dẫn về lựa chọn công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp cho việc thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt. Luật BVMT năm 2014 chưa phân cấp mạnh trong công tác BVMT, chưa phân công rõ vai trò, trách nhiệm từng cấp, từng ngành trong việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về BVMT. Luật BVMT 2014 chưa hài hòa, tiệm cận với pháp luật quốc tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa đòi hỏi công tác BVMT phù hợp với luật pháp quốc tế.
Nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về BVMT (trong đó có quy định BVMT trong các cơ sở, doanh nghiệp) phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về BVMT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về BVMT đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn hội nhập, phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật BVMT năm 2020 tại kỳ họp thứ 10. Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022; được đánh giá đã sửa đổi, bổ sung, khắc phục tương đối các hạn chế của Luật BVMT năm 2014. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần lưu ý các quy định mới trong Luật BVMT năm 2020 gồm: Có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Đã tích hợp 7 loại giấy phép, xác nhận vào 1 giấy phép môi trường; thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (tập trung vào các dự án lớn thuộc nhóm I và dự án nhóm II có yếu tố nhạy cảm về môi trường như xả thải vào nguồn nước cấp sinh hoạt, trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng, di tích lịch sử văn hóa…). Phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường nhưng bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng và pháp luật liên quan; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. Cụ thể hóa nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Luật đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua chế định giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; đồng thời quy định các bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả. Quy định này sẽ bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương như hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, Luật đã đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đến nay, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh phổ biến Luật BVMT năm 2020. Trong đó, chú trọng phổ biến, hướng dẫn giúp các cơ sở, doanh nghiệp nắm bắt rõ thời hạn chính thức áp dụng Luật và thực hiện đầy đủ, đúng, trúng các quy định mới về BVMT trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực BVMT đang có hiệu lực thi hành, kiến nghị việc sửa đổi bổ sung, đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với các quy định của Luật BVMT năm 2020; tham mưu theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020 đảm bảo đúng trình tự và thời gian. Phân công cán bộ chuyên trách thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp thực hiện tốt Luật BVMT năm 2020, đảm bảo các nguồn phát thải từ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ được kiểm soát và đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường hiện hành. Lập trang mạng xã hội kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm trao đổi, giải đáp, chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn đưa ra giải pháp BVMT phù hợp với quy định của Luật BVMT năm 2020. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT (nếu có) từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy