Hỗ trợ công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Sản xuất mận hậu sấy dẻo tại HTX Tây Bắc, huyện Yên Châu.

Sản xuất mận hậu sấy dẻo tại HTX Tây Bắc, huyện Yên Châu.

Tại huyện Mộc Châu, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 35 sản phẩm OCOP; trong đó, 13 sản phẩm đạt 4 sao, 22 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, như: Mận sấy mật ong, rượu mận, xoài sấy dẻo, hồng giòn sấy dẻo…

Được công nhận là 1 trong 12 doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Sơn La, HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 có 55 thành viên và liên kết với khoảng 200 nông hộ, sản xuất 110 ha cây trồng các loại. Từ vùng nguyên liệu mận hậu địa phương, HTX đã đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến ra các sản phẩm rượu mận, mứt mận, mận sấy dẻo... Hằng năm, HTX thu mua khoảng 400 tấn mận hậu cho nông dân để chế biến. Đến nay, HTX sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, gồm mận sấy mật ong, mận sấy gừng, mận sấy thảo dược và 3 sản phẩm đạt 3 sao; gồm rượu mận, rượu mơ, rượu trưởng bản.

Anh Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, chia sẻ: Từ năm 2003, HTX quyết định thử nghiệm chế biến quả mận thành sản phẩm rượu. Được tư vấn, giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ, Tổ chức Asodia của Pháp hỗ trợ trong việc mua thiết bị chuyên trưng cất rượu hoa quả và đưa chuyên gia sang giúp về kỹ thuật chế biến, HTX đã sản xuất thành công sản phẩm rượu mận, chất lượng, giữ được hương vị đặc trưng.

Còn tại huyện Yên Châu, nhận thấy tiềm năng và giá trị kinh tế của cây tỏi một nhánh địa phương, HTX Tây Bắc đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy ủ, sấy tỏi đen. Năm 2018, tỏi đen của HTX đã đến tay người tiêu dùng, với sản lượng ban đầu khoảng 1 tấn/năm. Đến nay, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, với 15 lò ủ và sấy, công suất 1,5 tấn/lần, trung bình sản xuất 45 tấn/năm sản phẩm tỏi đen, doanh trên 10 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX, cho biết: Tỏi tươi sau khi thu hoạch, được phân loại, rửa sạch, cắt bỏ rễ, phần đầu cuống, sau đó, xếp khay đưa vào lò ủ liên tục trong 30 ngày đến khi vỏ củ tỏi khô lại, tép tỏi bên trong chuyển màu đen, dẻo, mềm, ngọt. Năm 2020, HTX đã đăng ký với UBND huyện hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, sản phẩm tỏi đen của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao. Ngoài ra, HTX còn phát triển thêm các sản phẩm tỏi đen ngâm mật ong, rượu tỏi đen, chè san tuyết cổ thụ Ôn Ốc, hoa đu đủ đực sấy, chuối sấy khô, mận sấy dẻo có nhãn hiệu “Diệp Bách” được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP trên thị trường, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ. Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu của các HTX, doanh nghiệp để hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và chế biến; hướng dẫn doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ghi nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc; xây dựng bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP... Thông qua các hoạt động này, đã thúc đẩy các HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP; đến nay, toàn tỉnh đã có 151 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao.

Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có ít nhất 50% sản phẩm OCOP 3 sao giai đoạn 2021-2025, được nâng hạng lên 4 sao; có ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia và có từ 40-50 sản phẩm OCOP của tỉnh xuất khẩu ra nước ngoài. Việc ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những yếu tố then chốt giúp các sản phẩm nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Sở tiếp tục xây dựng, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, hoàn thiện công nghệ và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến cho các sản phẩm OCOP dựa trên nhu cầu cụ thể của các tổ chức kinh tế. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất trong việc tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị liên quan đến các sản phẩm OCOP, giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất hoàn thiện, nâng tầm chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh tiếp tục phát triển.

Sản xuất các sản phẩm OCOP theo hướng đầu tư công nghệ, liên kết sản xuất không chỉ đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao, giúp sản phẩm OCOP của Sơn La định vị được uy tín, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/ho-tro-cong-nghe-nang-cao-gia-tri-san-pham-ocop-99sKb5CSR.html