FED 'mạnh tay' cắt giảm lãi suất, tác động thế nào đến thị trường tài chính Việt Nam?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. Động thái này của FED tác động đến các thị trường trên toàn cầu, từ tiền tệ, hàng hóa cho đến cổ phiếu và trái phiếu. Theo đánh giá của chuyên gia, khi FED giảm lãi suất, tỷ giá hạ nhiệt thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sẽ có cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Thị trường chứng khoán vốn thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với triển vọng vĩ mô, thường sẽ có diễn biến tích cực.
Thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ
Ngày 18/9 (giờ địa phương, tức rạng sáng 19/9 giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. Đây là quyết định giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm tăng liên tục và neo ở mức cao.
Quyết định này được Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đưa ra trong bối cảnh cả thị trường lao động và lạm phát đều đang hạ nhiệt với mức cắt giảm được cho là “mạnh tay” - 0,5% - đưa lãi suất tiêu chuẩn về dao động trong khoảng 4,75% - 5%, báo hiệu lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ đang bắt đầu. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lãi suất chuẩn kết thúc năm 2025 ở mức từ 3,25% - 3,5%. Đến cuối năm 2026 lãi suất có thể thấp hơn 3%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc FED hạ lãi suất sẽ có tác động tích cực tới Việt Nam. Với nền kinh tế Việt Nam, giảm lãi suất USD giúp giảm chi phí lãi các khoản nợ bằng USD cho bên vay tiền là Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung.
Lãi suất USD giảm cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương trên thế giới hạ lãi suất, thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Điều này giúp tăng thu nhập và tiêu dùng của người Mỹ, qua đó cải thiện nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, giảm lãi suất USD, dẫn đến giảm áp lực đối với tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền đồng. Điều này giúp giảm chi phí vay vốn bằng ngoại tệ của Việt Nam; hỗ trợ kiềm chế lạm phát do tỷ giá tăng gây ra, do Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất chế biến chế tạo…
FED hạ lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam thường có xu hướng tăng
Thị trường chứng khoán Việt Nam thường có xu hướng tăng trưởng nhờ dòng vốn ngoại quay trở lại. Năm 2008, FED giảm mạnh lãi suất gần bằng 0, giai đoạn 2009 - 2010, dòng tiền đầu tư nước ngoài tăng, giúp VN-Index tăng trưởng mạnh từ 235 điểm lên hơn 500 điểm. Trong năm 2019 - 2020, FED hạ lãi suất đối phó với đại dịch Covid-19, dòng vốn ngoại quay lại các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, giúp VN-Index phục hồi sau đợt giảm mạnh ban đầu vào tháng 3/2020.
Việc FED giảm lãi suất cũng tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Thời gian vừa qua, NHNN đã định hướng điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, bao gồm giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp ổn định và tăng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này gặp phải khó khăn khi lãi suất USD duy trì ở mức cao đã gây áp lực lớn về tỷ giá.
Cụ thể, trước triển vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất cho vay OMO lần đầu tiên kể từ cuối năm 2023 từ 4,5% về 4,25% ngày 5/8, và lần thứ 2 về 4,0% vào ngày 16/9. Việc giảm lãi suất OMO cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của NHNN, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, NHNN đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm các biện pháp từng bước hạ lãi suất cho vay; triển khai các gói tín dụng ưu đã và hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão…
Dòng vốn ngoại có thể sớm đảo chiều
Đối với TTCK, việc FED hạ lãi suất có thể giúp hệ thống ngân hàng có thể đẩy mạnh tăng tín dụng cải thiện thanh khoản của nền kinh tế và TTCK. Ngoài ra, lãi suất USD hạ giúp thu hút vốn đầu tư quốc tế vào các thị trường các nước đang phát triển, vốn có mức chênh lệch đáng kể của lãi suất đồng nội tệ đối với lãi suất USD. Điều này ngược lại với thực tế thời gian qua, khi lãi suất USD neo cao, dòng vốn đầu tư có xu hướng dịch chuyển từ các thị trường mới nổi/cận biên trở về Mỹ.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết, về mặt vĩ mô, FED giảm lãi suất giúp chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước giảm đi, giúp tỷ giá USD/VND hạ nhiệt và NHNN có dư địa để duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Việc chênh lệch lãi suất giảm bớt cũng giúp đà bán ròng trên TTCK có thể đảo chiều.
“Với việc tỷ giá USD/VND hạ nhiệt giúp các doanh nghiệp vay nợ bằng USD hưởng lợi, có thể sẽ thể hiện ngay trong báo cáo tài chính quý III này. Một điểm quan trọng nữa, khi lãi suất thế giới giảm, lãi suất tham chiếu SOFR giảm, chi phí vốn của các doanh nghiệp đi vay ngoại tệ trên thị trường vốn quốc tế sẽ giảm” - ông Huy phân tích.
Theo ông Huy, việc FED hạ lãi suất trong ngắn hạn có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế và TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, diễn biến của VN-Index sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ sức mạnh nội tại của nền kinh tế trong nước, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Còn ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, việc FED chính thức giảm lãi suất đã phần nào cởi bỏ được tâm lý cho nhà đầu tư chờ đợi bấy lâu nay. Bên cạnh đó, khi FED giảm lãi suất, dòng tiền sẽ đảo chiều và tái phân bổ tới thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, NHNN sẽ có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng giúp doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận vốn tín dụng với chi phí vốn thấp.
TS. ĐINH THẾ HIỂN - VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU TIN HỌC VÀ KINH TẾ ỨNG DỤNG: Việc cắt giảm lãi suất của FED có tác động tích cực lên nhiều nền kinh tế
Đối với Việt Nam, việc cắt giảm lãi suất của FED có tác động, áp lực tỷ giá sẽ giảm, giúp ổn định tiền tệ và hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Trong 3 năm qua, FED đã duy trì lãi suất cao kỷ lục, khiến chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và các đồng tiền khác tăng mạnh. Đồng nội tệ yếu dẫn đến lạm phát, do giá hàng nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, việc cắt giảm 0,5% của FED sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu và gánh nặng nợ nước ngoài cho Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ được kỳ vọng tiếp tục thuận lợi, khi Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Thu Hương (ghi)
ÔNG PHAN DŨNG KHÁNH - GIÁM ĐỐC PHÂN TÍCH ĐẦU TƯ, CÔNG TY CHỨNG KHOÁN MAYBANK KIM-ENG: Cải thiện thanh khoản của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng
FED giảm lãi suất tác động đến thị trường chứng khoán, hệ thống ngân hàng có thể đẩy mạnh tăng tín dụng có thể cải thiện thanh khoản của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Theo đó, lãi suất USD hạ góp phần thu hút vốn đầu tư quốc tế vào thị trường các nước đang phát triển vốn có mức chênh lệch đáng kể giữa lãi suất đồng nội tệ đối với lãi suất USD. Ngược lại với thực tế thời gian qua, khi lãi suất USD neo cao, dòng vốn đầu tư đã xu hướng dịch chuyển.
Cụ thể là việc khối ngoại đã có động thái mua ròng tại một số thị trường trong ASEAN như Indonesia, Malaysia… trong hai tuần vừa qua. Riêng thị trường Việt Nam, mặc dù khối ngoại vẫn đang tiếp tục bán ròng nhưng đà bán đã giảm mạnh trong 2,5 tháng vừa qua, ngoài ra cũng xuất hiện các phiên mua ròng trở lại.
Việc FED hạ lãi suất trong ngắn hạn có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam hơn tác động tiêu cực.
Gia Linh (ghi)
PGS.TS. NGUYỄN HỮU HUÂN, GIẢNG VIÊN CAO CẤP HỌC VIỆN KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH: Điều kiện thuận lợi nới lỏng tiền tệ, mỗi tháng có thể bơm 227 nghìn tỷ đồng
Ngoài đợt cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9, FED có thể giảm lãi suất một lần nữa vào tháng 12/2024, song còn tùy vào tình hình lạm phát của Mỹ.
Theo tôi, FED giảm lãi suất sẽ tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước. Về cơ bản khi tỷ giá bớt áp lực và trong bối cảnh đồng Đô la Mỹ hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá.
Về tín dụng, với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% mà ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, trong 8 tháng qua, lượng vốn đưa ra thị trường chưa đến 900.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 112.500 tỷ đồng.
Như vậy, hệ thống sẽ phải thực hiện đẩy ra lượng vốn 1,135 triệu tỷ đồng trong 5 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng bơm ra 227.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng này gấp đôi so với những tháng đầu năm.
Chí Tín (ghi)