Hỗ trợ công nghiệp nông thôn ở Bắc Kạn: Trọng điểm, tăng khả năng lan tỏa

Sở Công Thương Bắc Kạn đã và đang hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh từ ứng dụng công nghệ vào quản lý đến quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Bắc Kạn hiện có 5 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực năm 2018, bao gồm: Miến dong Nhất Thiện Ba Bể, miến dong Chính Tuyển; Trịnh Năng Curcumin, Trịnh Năng gấc, tinh nghệ Bắc Kạn và 2 sản phẩm được chứng nhận CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, gồm: Miến dong Nhất Thiện Ba Bể, tinh nghệ Bắc Kạn.

 Sản phẩm CNNT tiêu biểu được Sở Công Thương Bắc Kạn hỗ trợ cả về sản xuất và tiêu thụ

Sản phẩm CNNT tiêu biểu được Sở Công Thương Bắc Kạn hỗ trợ cả về sản xuất và tiêu thụ

Theo Sở Công Thương Bắc Kạn, những sản phẩm này có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm thế mạnh của tỉnh và có khả năng nhân rộng sản xuất. Những năm qua, Sở Công Thương Bắc Kạn đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm này.

Cụ thể, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (trung tâm) đã hỗ trợ phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm miến dong Nhất Thiện Ba Bể cho hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện. Phòng trưng bày được đầu tư trang thiết bị trưng bày phù hợp, tạo không gian hiện đại, tiện ích, giúp cơ sở truyền tải được đầy đủ thông tin về sản phẩm tới khách hàng. Trung tâm cũng hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng thông minh cho Công ty Cổ phần Bắc Kạn - đơn vị sản xuất ra sản phẩm tinh nghệ Bắc Kạn. Phần mềm này giúp doanh nghiệp giảm 30% thao tác và quản lý dữ liệu hàng hóa, giảm 30% hàng hóa thất thoát, tiết kiệm chi phí vận hành, trong đó có chi phí thuê nhân viên. Không những vậy, phần mềm quản lý còn giúp hiện đại hóa công cụ bán hàng, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Trung tâm cũng hỗ trợ sản phẩm CNNT tiêu biểu tham gia hội chợ triển lãm trong nước; ưu tiên giới thiệu vào các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị hay điểm phân phối… Qua các sự kiện, một số cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu đã ký được biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm. Trong công tác tuyên truyền, Bắc Kạn cũng dành nguồn lực đáng kể cho thực hiện tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm giới thiệu rộng rãi sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Có thể thấy, Bắc Kạn đã hỗ trợ khá đa dạng cho sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh. Hiệu quả cũng đã được thể hiện qua kết quả kinh doanh, ý nghĩa xã hội và qua chính sự ghi nhận của các đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Bắc Kạn, các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ lẻ, sản xuất vẫn mang nặng thủ công, do vậy sức cạnh tranh cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao. Điều này cũng khiến chương trình khuyến công khó lựa chọn đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện cũng như đảm bảo hiệu quả của các đề án.

Với mục tiêu huy động các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có đầu tư phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, Sở Công Thương khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm CNNT. Lấy các sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được công nhận làm trung tâm hỗ trợ xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng có trọng điểm, có sự bứt phá và có bước chuyển rõ rệt nhằm tạo điển hình tăng khả năng lan tỏa.

Sở Công Thương cũng đề xuất, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, xem xét, hỗ trợ các cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ho-tro-cong-nghiep-nong-thon-o-bac-kan-trong-diem-tang-kha-nang-lan-toa-154700.html