Hỗ trợ công nhân tiền thuê nhà: Càng sớm càng tốt
Người lao động và doanh nghiệp đều mong muốn chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà được triển khai nhanh chóng để sớm ổn định công việc và cuộc sống
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, theo đó Chính phủ sẽ dành khoảng 6.600 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ). Chính sách nhân văn này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo NLĐ, không chỉ giúp họ giảm bớt lo toan khi trở lại thị trường lao động sau dịch mà còn giúp doanh nghiệp (DN) thu hút lao động trở lại làm việc.
Ổn định chỗ ở
Chị Hoàng Thị Thúy (30 tuổi, quê Thanh Hóa) - công nhân (CN) may đang thuê trọ tại huyện Hóc Môn, TP HCM - rất vui khi biết thông tin này. Chị Thúy và một người bạn thuê chung phòng trọ với giá 1,8 triệu đồng/tháng, tính thêm tiền điện, nước là gần 3 triệu đồng. Với thu nhập khoảng 7 triệu đồng như hiện nay thì chi phí thuê trọ đang chiếm gần một nửa thu nhập. Vì vậy, nếu được hỗ trợ thì chị sẽ có cuộc sống dễ thở hơn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh, TP HCM), cho biết chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho CN ở trọ hết sức đúng đắn và cần thiết. Hiện chi phí thuê nhà chiếm một phần không nhỏ trong thu nhập của NLĐ, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Chính sách này không những tạo động lực cho NLĐ sớm quay trở lại với DN mà bước đầu còn giúp họ sớm ổn định đời sống, yên tâm làm việc. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tổ chức triển khai một cách nhanh chóng, thuận tiện, thống nhất từ trên xuống dưới, hạn chế tối đa việc gây khó khăn, phiền hà về thủ tục cho NLĐ khi thụ hưởng chính sách, tránh tâm lý chủ trương, chính sách thì đúng nhưng NLĐ lại không mặn mà hoặc phải chờ đợi.
Còn ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Servo (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng chủ trương đậm tính nhân văn sẽ giúp NLĐ mạnh dạn quay trở lại thị trường lao động sau thời gian dài chống dịch. Tuy nhiên, về lâu dài cần có các chính sách hỗ trợ về nhà ở mà NLĐ có thể tiếp cận được, cụ thể là bán hoặc cho thuê nhà giá rẻ để CN được an cư. Thực tế, việc hỗ trợ 3 tháng tiền nhà (1 triệu đồng/tháng) chỉ là biện pháp hỗ trợ trước mắt, chưa thực sự giải quyết được khó khăn của NLĐ. Hiện nay, NLĐ phải trả chi phí thuê nhà, điện, nước, sinh hoạt… rất cao.
Tránh bỏ sót đối tượng
Hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ là một chính sách hay, đúng thời điểm, song vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về đối tượng thụ hưởng. Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết DN hiện đang sử dụng hơn 9.000 lao động, trong đó gần 50% là lao động ngoại tỉnh. Chia sẻ khó khăn với CN đến từ các tỉnh, công ty hỗ trợ chi phí thuê trọ là 500.000 đồng/người/tháng. Nhưng so với giá thuê nhà bình quân trên địa bàn huyện vẫn cao hơn, khoảng 1 triệu đồng/phòng/tháng chưa kể điện, nước. Do vậy, khi hay tin sắp tới Chính phủ sẽ hỗ trợ tiền thuê trọ, NLĐ rất phấn khởi. "Đối tượng được hỗ trợ là NLĐ có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các KCN-KCX, khu vực kinh tế trọng điểm". Vậy những DN nằm ngoài KCX-KCN thì NLĐ có được hỗ trợ hay không? Do vậy, khi xây dựng quyết định hướng dẫn thực hiện, đề nghị cơ quan chức năng giải thích rõ hơn về đối tượng thụ hưởng" - ông An góp ý.
Bà Trần Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sambu Vina Sports (huyện Hóc Môn), cho biết nếu không tăng ca, thu nhập bình quân của NLĐ tại công ty dao động từ 6-7 triệu đồng/tháng (bao gồm khoản trợ cấp nhà trọ 450.000 đồng/người/tháng). Với thu nhập đó, CN từ các tỉnh, thành khác hoặc người thành phố nhưng không có nhà ở phải chi thêm bình quân khoảng 1,3 triệu đồng/tháng thì mới tìm được chỗ ở. "Đợt dịch vừa qua, doanh nghiệp lẫn NLĐ gặp rất nhiều khó khăn khi có thời điểm phải tạm ngừng hoạt động và có hơn 1.000 ca F0 nên rất cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết 11 thì CN tại công ty sẽ không thuộc diện được hỗ trợ vì không làm việc trong các KCX-KCN. CN ở trọ thì trong hay ngoài KCX-KCN đều khó khăn như nhau và họ xứng đáng được chính sách hỗ trợ ngang bằng. Do vậy, khi xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện, các bộ, ngành phải làm rõ hơn đối tượng được hỗ trợ, thay vì khu biệt" - bà Gái đề xuất.
Ông TRẦN ĐOÀN TRUNG, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM:
Tiếp sức người lao động
Việc Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ vào thời điểm này là rất kịp thời và ý nghĩa với NLĐ tại TP HCM. Bởi năm 2021, TP HCM là địa phương chịu tác động nặng nề vì dịch bệnh khiến đời sống, việc làm của NLĐ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó nhiều NLĐ đã phải trở về quê. Do vậy, được hỗ trợ để ổn định về nơi ở khi trở lại thị trường lao động sẽ khiến NLĐ an tâm hơn cũng như giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt. Vì vậy, chính sách này cần nhanh chóng triển khai càng sớm càng tốt và đúng đối tượng để tiếp sức NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn. Đây cũng là giải pháp góp phần giúp các DN thu hút lao động, ổn định nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố.