Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân sau sự cố môi trường biển
Hơn 3 năm sau sự cố môi trường biển, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và địa phương, đến nay hầu hết người dân bịảnh hưởng đã chủ động chuyển đổi sinh kế, từng bước ổn định cuộc sống. Trong đó, những chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đã mang lại hiệu quả tích cực.
Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Triệu Phong, từ nguồn kinh phí UBND tỉnh tạm cấp cho huyện về hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ), Phòng LĐTB&XH đã phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng gồm các xã Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng và Triệu Phước triển khai việc lập danh sách, hướng dẫn hỗ sơ, thủ tục cho các đối tượng được hỗ trợ. Kết quả đến thời điểm này đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề dưới 3 tháng được 24 lớp với 697 học viên; tổng kinh phí hơn 1,9 tỉ đồng. Ngành nghề đào tạo chủ yếu là kĩ thuật nuôi gà thả vườn, nuôi cá nước ngọt, trồng và chăm sóc cây ném, trồng hoa, nuôi tôm, trồng rau an toàn, chế biến món ăn, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp… Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng cho 120 người với tổng kinh phí hơn 960 triệu đồng. Hỗ trợ 52 lao động đi làm việc ở nước ngoài với số tiền hỗ trợ hơn 317 triệu đồng.
Tại huyện Hải Lăng, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương 2 xã Hải An và Hải Khê tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, XKLĐ đến từng hộ dân nhằm giúp họ lựa chọn, đăng kí học các nghề phù hợp với tình hình phát triển của địa phương để chuyển đổi nghề nghiệp. Kết quả, đã tổ chức được 3 lớp đào tạo nghề cho 77 học viên, tổng kinh phí 222,85 triệu đồng; hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng cho 73 học viên với tổng kinh phí 633,494 triệu đồng. Đặc biệt, đã hỗ trợ cho 78 lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng với tổng số tiền hỗ trợ hơn 689 triệu đồng.
Thực hiện Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”, bên cạnh việc kịp thời chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đến tận tay người dân, tỉnh Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các giải pháp về tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm thông qua việc tổ chức sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, hội nghị tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động (XKLĐ)…
Kết quả, tính đến tháng 3/2019 toàn tỉnh có trên 5.317 lao động tại các địa phương bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển được giải quyết việc làm; bao gồm, làm việc trong tỉnh là 2.445 người, làm việc ngoài tỉnh 1.511 người, làm việc ở nước ngoài là 1.361 người; trong đó làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.309 lao động, tập trung ở các thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2019 đã giải quyết việc làm cho 2.240 lao động vùng biển, gồm 1.000 lao động làm việc trong tỉnh; 650 lao động làm việc ngoài tỉnh và 590 lao động làm việc ở nước ngoài. Đã thực hiện hỗ trợ cho 221 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với kinh phí trên 1,6 tỉ đồng. Tổ chức đào tạo và hỗ trợ kinh phí đào tạo các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng cho 4.725 người với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 16 tỉ đồng.
Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Lê Văn Trắc cho biết, song song với việc tổ chức, hỗ trợ đào tạo nghề, công tác giới thiệu việc làm, hỗ trợ sản xuất cũng được quan tâm, chú trọng. Không chỉ đa dạng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền về chính sách việc làm, đào tạo nghề nghiệp… Sở LĐ-TB&XH còn chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, qua đó cung cấp các thông tin hữu ích về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Qua đó đã tạo cơ hội cho người lao động tìm được công việc phù hợp với năng lực và nhu cầu của mình. Bên cạnh đó, bằng nhiều biện pháp thiết thực như hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, chi phí khám sức khỏe, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động và hỗ trợ vay vốn nên đã có nhiều lao động đi làm việc theo hợp đồng tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Theo Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Triệu Phong Nguyễn Xuân Tứ, khó khăn lớn nhất đối với công tác đào tạo nghề đó là khi khảo sát thì số lao động thuộc các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đăng kí học nghề, chuyển đổi việc làm là rất lớn. Nhưng khi các cơ sở đạo tạo nghề xuống địa bàn thực hiện kế hoạch mở lớp thì nhiều lao động đã đi làm ăn xa, số lao động còn lại trên địa bàn ít, nhất là lao động trẻ. Người lao động tham gia học nghề ở nhiều độ tuổi khác nhau, mức độ tiếp thu cũng khác nhau nên chất lượng đào tạo chưa cao. Một số hồ sơ hỗ trợ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp do hóa đơn hoặc biên lai thu học phí không rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc thụ lí hồ sơ. Đối với XKLĐ, do công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ còn một số hạn chế; nhiều doanh nghiệp XKLĐ cạnh tranh không lành mạnh, gây mất lòng tin với người lao động. Chất lượng nguồn lao động, nhất là trình độ ngoại ngữ, tay nghề của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước...
Một vấn đề nữa đó là việc hỗ trợ XKLĐ sau sự cố môi trường biển năm 2016 theo Quyết định 12 của Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các hồ sơ, giấy tờ, thủ tục quá phức tạp trong khi đa số người lao động đã xuất cảnh nhưng người thân của họ không còn hoặc không có đầy đủ các chứng từ thanh toán theo quy định tại Công văn số 1918 nên không có căn cứ để thanh toán; các doanh nghiệp, công ty XKLĐ gây khó khăn trong việc cấp lại chứng từ cho người lao động. Do đó, trong năm 2018, không có lao động xuất khẩu nào thuộc các xã bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển được nhận hỗ trợ. Năm 2019 này, theo kế hoạch huyện Triệu Phong sẽ hỗ trợ cho khoảng 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với tổng kinh phí 2 tỉ đồng nhưng đến thời điểm này mới chỉ hỗ trợ được cho 52 lao động với số tiền hơn 317 triệu đồng. “Trong thời gian tới, Phòng LĐTB&XH sẽ tập trung triển khai việc hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Tứ cho hay.
Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và XKLĐ cho các hộ bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, ông Lê Văn Trắc cho biết, trong công tác đào tạo nghề, do một số địa phương chưa làm tốt khâu khảo sát nhu cầu học nghề, chưa sát, đúng với nhu cầu của người học, dẫn đến phải khảo sát lại gây chậm trễ trong công tác đào tạo nghề. Một số học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng bị mất biên lai thu học phí nhưng khi quay về trường xin xác nhận thì một số trường đã giải thể hoặc sáp nhập nên không thể xác nhận được. Đối với việc hỗ trợ XKLĐ, theo ông Trắc mặc dù chính sách hỗ trợ chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được triển khai đến tận người lao động nhưng quá trình thực hiện thực sự gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được xác định là do đa số người lao động đã xuất cảnh nhưng người thân của họ không có hoặc không có đầy đủ các chứng từ theo quy định nên không có căn cứ để thanh toán; các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa phối hợp, hỗ trợ người lao động trong việc cung cấp các loại giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để làm hồ sơ đề nghị hưởng chính sách. Bên cạnh đó, thủ tục hồ sơ rườm rà, đòi hỏi quá nhiều giấy tờ liên quan, trong khi đó, nhận thức của người lao động còn nhiều hạn chế nên khó thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục hồ sơ… Chính vì vậy, mặc dù trong 2 năm qua, toàn tỉnh có trên 1.300 lao động được XKLĐ nhưng số lượng lao động được nhận hỗ trợ vẫn còn khá ít.
Theo ông Trắc, để giảm bớt các thủ tục hỗ trợ XKLĐ cho người lao động vùng biển tham gia XKLĐ, ngoài việc thực hiện hỗ trợ theo hướng dẫn tại Công văn số 1918/LĐTBXHVL ngày 18/5/2019 của Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH cũng đã có Công văn số 1648/ SLĐTBXH-LĐVLATLĐ ngày 8/8/2019 gửi UBND các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng để chỉ đạo các Phòng LĐTB&XH trong việc thực hiện hỗ trợ cho người lao động. Theo đó, trong trường hợp người lao động không có hóa đơn, biên lai thu tiền các khoản khám sức khỏe, hộ chiếu, lí lịch tư pháp, thị thực (visa) thì được thanh toán theo mức khoán; cụ thể, tiền khám sức khỏe 500.000 đồng/người, lệ phí làm hộ chiếu 200.000 đồng/ người, phí cung cấp lí lịch tư pháp 200.000 đồng/người và tiền xin thị thực là mức thông thường theo công bố của nước tiếp nhận lao động tại thời điểm cung cấp thị thực.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề nghiệp, tập trung vào các ngành nghề phù hợp, có cơ hội tìm kiếm việc làm cao; tập trung khai thác các thị trường phù hợp với người lao động vùng biển; thực hiện tốt công tác tạo nguồn lao động để chủ động đăng kí tham gia ứng tuyển khi có đơn hàng… Qua đó, góp phần ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và ổn định trật tự xã hội vùng biển nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144384