Hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ xuất xứ
Do quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ta còn nhiều hạn chế, nên cần một hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ để các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu thuận lợi hơn trong gia tăng tỷ lệ nội địa hóa - một trong những điều kiện về tiêu chí xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường FTAs.
Xác định công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian qua Bộ Công Thương đã có những tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao vai trò, vị thế của ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, do mới ở những chặng đường đầu tiên nên xét về quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ta còn nhiều hạn chế, thể hiện trên mấy mặt:
Số lượng doanh nghiệp CNHT chưa nhiều
Hiện tại trên toàn quốc trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù đây là nền tảng để công nghiệp hóa, các năm qua số lượng các doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa nhiều. Do không có nhiều nhà cung cấp, nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước mà phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.
Năng lực sản xuất sản phẩm CNHT còn thấp
Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Tuy đã tự chủ được một số loại sản phẩm CNHT cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, vẫn còn nhiều sản phẩm CNHT cần được hỗ trợ để phát triển như chất bán dẫn, mạch in, khuôn nhựa trong ngành điện tử; phôi thép, thép tấm, thép hình, khuôn mẫu trong ngành cơ khí; và vải trong ngành dệt may, da giầy. Bên cạnh đó, một số sản phẩm CNHT mà Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh, chủ yếu là các sản phẩm hóa dầu như hạt nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo…
Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Cơ hội mở ra rất lớn đối với các ngành như ô tô, điện tử, dệt may và da dày nhưng các doanh nghiệp Việt Nam công nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực để cung cấp linh kiện, phụ tùng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng cho các chuỗi sản xuất toàn cầu ở trong nước.
Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT. Khoảng cách giữa yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm CNHT, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực. Khu vực dệt may và da giày mới phát triển khá ở sản xuất phụ kiện, còn sản xuất vải, xơ sợi, da thuộc... đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.
Thiếu nguồn lực và công nghệ để đổi mới
Lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp CNHT trong nước khá giống nhau, cả về trình độ, quy mô, công nghệ và sản phẩm. Trong ngành cơ khí, đa số là gia công các công đoạn cơ khí đơn giản (dập, cắt, hàn, sơn…), rất ít doanh nghiệp thực hiện các công đoạn, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như đúc, xử lý nhiệt, gia công bề mặt. Điện tử mới chỉ tập trung chủ yếu vào các chi tiết nhựa và bao bì. Các chi tiết như mạch in nhiều lớp, các linh kiện điện tử rất ít doanh nghiệp đủ trình độ sản xuất. Trong ngành dệt may, chủ yếu mới chỉ phát triển ở công đoạn may. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới công nghệ sản xuất.
Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng
Mặc dù Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với khoảng 54% dân số trong độ tuổi lao động, nhưng số lao động ở khu vực nông thôn trên 67% có trình độ thấp. Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng được các yêu cầu công việc của doanh nghiệp, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Cơ cấu đào tạo chưa phù hợp với số lượng học viên cấp bậc đại học và số lượng đào tạo cao đẳng - trung cấp nghề ở có tỷ lệ rất thấp 1 kỹ sư:1,25 thợ dẫn đến hiện tượng thừa thầy thiếu thợ nghiêm trọng. Ngoài ra do tác động của cơ cấu kinh tế, các học viên tham gia các ngành kỹ thuật có tỷ trọng nhỏ so với các ngành kinh tế dịch vụ dẫn đến sự thiếu hụt lao động tay nghề cao trong lĩnh vực chế biến chế tạo.
Phần lớn lao động tại các doanh nghiệp CNHT là lao động phổ thông, được đào tạo dưới hình thức vừa học vừa làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp rất thấp và luôn trong tình trạng khan hiếm. Trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp CNHT của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và cách thức vận hành doanh nghiệp, khả năng chấp nhận rủi ro để thực thi các điều chỉnh, cải cách thông qua đầu tư, đổi mới công nghệ, cách thức quản lý...
Khả năng tự cung ứng chưa cao
Dù đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị rất lớn. Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng là 36,64 tỷ USD, tăng hơn 11,4% so với 2018.
Do quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ta còn nhiều hạn chế, nên các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn trong gia tăng tỷ lệ nội địa hóa - một trong những điều kiện về tiêu chí xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường FTAs.
Để khắc phục những hạn chế trên, cần một hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ. Trước hết cần rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển; tiếp tục tranh thủ những điều kiện của các Hiệp định tương tự do để định hướng cho các doanh nghiệp tham gia phát triển vào trong các chuỗi giá trị, nhất là khai thác các thị trường mới.
Đồng thời có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ của chúng ta có điều kiện phát triển; tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách mới, tập trung vào hỗ trợ thuế, vay tín dụng và xây dựng hệ thống các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực Bắc, Trung, Nam và tại các địa phương có lợi thế về phát triển công nghiệp.