Hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận vốn tín dụng

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, các ngân hàng đã tích cực vào cuộc triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn.

Ngay khi Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng triển khai gói tín dụng 250.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt ngân hàng công bố các gói tín dụng và giảm lãi suất cho vay, có ngân hàng giảm 3-4%/năm, cũng có ngân hàng giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu. Nhiều ngân hàng cũng bắt đầu đưa ra giải pháp cụ thể đến khách hàng, cử nhân viên trực tiếp tới doanh nghiệp khảo sát khó khăn, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp hay đưa ra các gói ưu đãi lãi suất cho vay.

BIDV Tuyên Quang tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng và mở rộng tín dụng.

BIDV Tuyên Quang tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng và mở rộng tín dụng.

Ngân hàng VietinBank Tuyên Quang đã triển khai gói tín dụng đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp với lãi suất dao động chỉ từ 6,8-7%/năm và thực hiện giảm phí chuyển tiền cho khách hàng doanh nghiệp. Ngân hàng miễn giảm lãi suất cho gần 100 doanh nghiệp với tổng dư nợ 1.100 tỷ đồng… Còn Ngân hàng BIDV Tuyên Quang, từ đầu tháng 4 đến nay đã cơ cấu lại thời gian trả nợ và giảm lãi suất cho 35 doanh nghiệp. Ngoài ra, chi nhánh còn triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân và gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cho khách hàng doanh nghiệp...

Với nhiều gói vay có lãi suất ưu đãi, hấp dẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh vay phát triển kinh tế, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách hàng tìm đến ngân hàng vay vốn rất ít. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh muốn tiếp cận nguồn vốn vay nhưng lại khó tiếp cận, nguyên nhân là do không có tài sản thế chấp. Chị Nguyễn Thị Huyên, chủ hộ kinh doanh văn phòng phẩm tại xã Lăng Can (Lâm Bình) dù đã tiếp cận được nguồn vốn vay nhưng do chị Huyên chỉ có tài sản thế chấp là đất lâm nghiệp nên chị được giải ngân thấp hơn nhiều so với nhu cầu.

Ông Nguyễn Tiến Khanh, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết, hiện việc khai thác gỗ bị chậm. Nguyên nhân là do Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang ngừng thu mua, nếu công ty bán gỗ làm nguyên liệu giấy thì giá gỗ rẻ, sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trước khó khăn này công ty quyết định chưa khai thác gỗ rừng trồng, nhưng vẫn triển khai kế hoạch trồng thêm rừng. Do không đủ vốn, công ty dự kiến sẽ phải vay thêm ngân hàng 3 tỷ đồng. Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay để tiếp cận được nguồn vốn này cũng là một bài toán khó đối với doanh nghiệp. Bởi dịch Covid-19 không biết lúc nào sẽ kết thúc, và hoạt động kinh doanh khi nào mới trở lại như bình thường và để vay được vốn thì công ty cũng phải có tài sản thế chấp… Vì vậy, công ty mong muốn các ngân hàng trên địa bàn tỉnh khi hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay vốn cần nới lỏng một số điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng tích cực hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trọng tâm là triển khai có hiệu quả các biện pháp mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đột phá, có thế mạnh của tỉnh; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người vay vốn có phương án kinh doanh hiệu quả... Bằng nhiều giải pháp, đến nay toàn tỉnh có gần 1.100 khách hàng được hỗ trợ về miễn, giảm lãi vay và cơ cấu lại nợ gốc; 43 khách hàng được vay mới với tổng dư nợ là 61 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/ho-tro-doanh-nghiep-ho-kinh-doanh-tiep-can-von-tin-dung-131429.html