Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Thực hiện Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2021, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

 Trồng rừng theo chứng chỉ FSC đem lại hiệu quả kinh tế cao tại HTX Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng - Ảnh: T.L

Trồng rừng theo chứng chỉ FSC đem lại hiệu quả kinh tế cao tại HTX Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng - Ảnh: T.L

Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, liên kết theo chuỗi giá trị, trong năm 2021, ngành nông nghiệp tiếp tục chủ động mời gọi và đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Cùng với các địa phương, ngành đã chủ động kết nối với các công ty, doanh nghiệp triển khai các mô hình liên kết theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, sản xuất theo quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Đặc biệt có sự phối hợp liên kết “4 nhà” trong hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho nông dân.

Ngành tiếp tục hợp tác, liên kết với Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị, Tập đoàn Quế Lâm, HTX Nông sản sạch Triệu Phong, Công ty phân bón Sông Gianh, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh... liên kết với các địa phương tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với quy mô 1.150 ha lúa (vụ đông xuân 630 ha và hè thu 520 ha). Liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc tiếp tục chăm sóc, trồng mới gần 100 ha và phát triển vùng chanh leo phục vụ xuất khẩu; liên kết với Công ty TNHH cây giống Bảo Nguyên phát triển một số cây ăn quả đặc sản trên địa bàn như bơ 034, sầu riêng...

Triển khai một số mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ Nhật Bản tại xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh. Liên kết với Tập đoàn Lộc trời, Công ty Cổ phần Công nghệ nông nghiệp thông minh Việt Nam để ứng dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho ruộng lúa (gần 1.000 ha), góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh, tăng thu nhập cho người dân.

Trong chăn nuôi, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 17 tổ chức, cá nhân lập dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Chăn nuôi trang trại có chiều hướng phát triển tốt, hiện tại toàn tỉnh có 399 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm (tăng 156 trang trại so với năm 2020). Đặc biệt, toàn tỉnh có 60 trang trại chăn nuôi có liên kết “đầu vào, đầu ra” với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến trong lĩnh vực thủy sản.

Chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chủ đầu tư và chính quyền địa phương về trình tự thủ tục lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và phương án trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đáng chú ý là ngành nông nghiệp đã phối hợp các đơn vị cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cấp chứng chỉ cho diện tích rừng của các công ty lâm nghiệp, HTX và người dân, góp phần tạo điều kiện tốt nhất trong công tác tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng. Đến nay. toàn tỉnh có 22.067,923 ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững…

Các hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2021 được ngành nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện. Để thúc đẩy phát triển sản xuất và hạn chế đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản do COVID-19, ngành nông nghiệp đã phối hợp tham mưu đề xuất các phương án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các diễn đàn, hội nghị xúc tiến thương mại kết nối giao thương trực tuyến nhằm quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Phối hợp đưa sản phẩm nông sản Quảng Trị lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhờ vậy, đến nay có 90% sản phẩm OCOP được niêm yết, giao dịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng nhiều cơ chế, chính sách để tạo động lực cho phát triển ngành nông nghiệp nói chung và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Tiêu biểu như chính sách “Hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”; Đề án “Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với chương trình OCOP tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết quy định về “Khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2025...

Đồng thời, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP, thông qua đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ nâng cấp công nghệ, máy móc; công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng. Hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; đăng ký sở hữu trí tuệ; xây dựng trang website, thương mại điện tử…, qua đó nhằm thúc đẩy và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp.

Các sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP có điều kiện thuận lợi để kết nối tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chuỗi cung ứng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 53 sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 7 sản phẩm 4 sao và 46 sản phẩm 3 sao, trong đó có 17 chủ thể OCOP là doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành còn thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phối hợp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Lệ Như

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163856&title=ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien