Hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường Đức

Gần 200 doanh nghiệp đã được các chuyên gia cung cấp một loạt thông tin liên quan đến hoạt động đưa hàng hóa vào thị trường Đức, đặc biệt là Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng của nước Đức, nhằm giúp doanh nghiệp có thêm kiến thức để nâng cao năng lực canh tranh, thêm cơ hội xuất khẩu tại thị trường này.

Cửa ngõ đưa hàng vào thị trường châu Âu

Ngày 17/2, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Nâng cao năng lực canh tranh vào thị trường Đức thông qua Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng”. Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) tổ chức, đã thu hút gần 200 đại diện các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Đức tham dự. Chương trình nhằm giới thiệu “Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức”, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Điều luật buộc DN Đức phải kiểm soát những rủi ro cho con người và môi trường có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong suốt chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều luật này là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội để DN Việt khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là thu hút sự quan tâm từ khách hàng Đức tiềm năng.

Khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc ITPC cho biết, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và EU nói chung và giữa Việt Nam với Đức nói riêng thời gian qua đã có bước phát triển mạnh. Hiện tại, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu. Trong nhiều năm qua, Đức vẫn duy trì là quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đứng thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc).

Hoa quả Việt Nam được bày bán trong một siêu thị tại Đức.

Hoa quả Việt Nam được bày bán trong một siêu thị tại Đức.

Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Đức trong năm 2022 đạt hơn 8,9 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021. Đức cũng là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam đi các thị trường khác của châu Âu. Tuy nhiên, để đạt được những hiệu quả nhất định, DN Việt Nam phải chấp hành các điều kiện khắt khe trong quy trình sản xuất và xuất khẩu đến các thị trường khó tính như EU nói chung và Đức nói riêng.

Sản xuất phải hướng đến việc bảo vệ quyền con người

Tại hội thảo, bà Lanh Huyền Như - Quản lý dự án chuỗi cung ứng bền vững tại Việt Nam (AHK Việt Nam), đã cung cấp những thông tin liên quan đến nội dung của Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG) và ý nghĩa của điều luật đối với DN Việt. Bà Như nhấn mạnh, mục tiêu của đạo luật LkSG là nhằm cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm. Ví dụ như tình trạng bóc lột lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường, chống phân biệt đối xử, trả lương phù hợp và thời gian làm việc hợp lý. Đạo luật này cũng yêu cầu DN Đức xây dựng một cơ chế quản lý rủi ro phù hợp cho các chuỗi cung ứng của mình và lồng ghép cơ chế đó vào tất cả những chu trình sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp Đức muốn tìm nhà cung ứng tại Việt Nam

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Sang - Trưởng Phòng Đại Diện Incubator thuộc AHK Việt Nam, đã cung cấp nhiều thông tin về toàn cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, thực tế thu hút sự chú ý của nhiều nước đối với Việt Nam, đặc biệt là Đức. Riêng AHK Việt Nam hiện nhận được ngày càng nhiều yêu cầu tìm nhà cung ứng tại Việt Nam của các doanh nghiệp Đức trong thời gian gần đây.

Một số thông tin liên quan đến đạo luật cũng được các chuyên gia và đại diện DN Đức chia sẻ tại hội thảo, như góc nhìn của các chuyên gia kiểm định đối với yêu cầu của thị trường Đức, tầm quan trọng của tiêu chuẩn bền vững đối với DN Đức; kinh nghiệm thực tiễn của quá trình hỗ trợ DN Việt đáp ứng yêu cầu từ người mua hàng Đức trong ngành dệt may; những lưu ý khi tham gia các tiêu chuẩn xã hội, mà cụ thể là tiêu chuẩn GRASP của hệ thống GLOBAL.G.A.P (một tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt trong lĩnh vực nông nghiệp) đối với ngành nông sản…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến xoay quanh các thách thức và cơ hội cho DN Việt - Đức trong việc thực hiện nghĩa vụ khi tham gia chuỗi cung ứng theo Điều luật này cũng được nêu ra tại hội thảo. Ngoài ra, hội thảo nhận được nhiều chia sẻ, ý kiến đóng góp từ phía đại biểu tham dự. Tất cả ý kiến đều được các chuyên gia giải đáp một cách thấu đáo, đa dạng thông tin, từ nhiều góc độ, giúp DN tham dự nắm được những quy định cơ bản của điều luật và có chiến lược điều chỉnh phù hợp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh giao thương giữa DN hai quốc gia trong thời gian tới. Ban Tổ chức cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ DN Việt thông qua các khóa huấn luyện và các chương trình tư vấn, giao lưu với DN Đức.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Đức trong năm 2022 đạt hơn 8,9 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021. Đức cũng là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam đi các thị trường khác của châu Âu. Tuy nhiên, để đạt được những hiệu quả nhất định, DN Việt Nam phải chấp hành các điều kiện khắt khe trong quy trình sản xuất và xuất khẩu đến các thị trường khó tính như EU nói chung và Đức nói riêng.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ho-tro-doanh-nghiep-tang-kha-nang-canh-tranh-tai-thi-truong-duc-121987-121987.html