Hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc những tháng cuối năm

Theo kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất, trong quý III, tỉnh phải đạt mức tăng trưởng GRDP gần 18% và quý IV đạt trên 12%. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài những nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra, tỉnh cần có những giải pháp mang tính đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Theo kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất, trong quý III, tỉnh phải đạt mức tăng trưởng GRDP gần 18% và quý IV đạt trên 12%. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài những nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra, tỉnh cần có những giải pháp mang tính đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Công ty TNHH GGS Việt Nam tại Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nhiều vướng mắc cần hỗ trợ giải quyết

Theo số liệu thống kê của Sở KH&ĐT, 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 210 DN đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký trên 4.750 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Có 145 DN quay trở lại thị trường. Lũy kế đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 4.600 DN với vốn điều lệ đăng ký khoảng 92 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ và được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, song nhiều DN tiếp tục gặp khó khăn. Trong đó, tác động của thị trường do một số ngành, lĩnh vực phục hồi chậm, xuất nhập khẩu thu hẹp và thị trường bất động sản đình trệ khiến nhiều DN buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng sản xuất. Chỉ số tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng giảm 3,34%. Điều này đẩy nhiều DN lĩnh vực xây dựng vào khó khăn do thiếu nguồn công việc và áp lực về chi phí sản xuất, kinh doanh. 6 tháng qua, toàn tỉnh ghi nhận 180 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, 30 DN giải thể, trong đó có nhiều DN lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản.

Mới đây, tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa UBND tỉnh và các DN, nhà đầu tư, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nhiều DN tiếp tục phản ánh về tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến kéo dài thời gian đầu tư của DN. Cơ chế quản lý không đồng bộ, thống nhất trong một số lĩnh vực cũng là nguyên nhân khiến DN gặp khó, không triển khai được dự án. Đặc biệt, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện tượng lấn chiếm mặt bằng tái diễn đã làm nhiều DN rơi vào tình trạng vừa thi công vừa đợi mặt bằng, tăng áp lực cho DN giải quyết bài toán về chi phí sản xuất. Ông Hà Trung Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh chia sẻ: Phần lớn DN trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực xây lắp nhưng việc quản lý giá vật liệu xây dựng hiện nay có nhiều bất cập. Cụ thể, giá vật liệu xây dựng theo niêm yết của Sở Xây dựng thấp hơn nhiều so với giá thực tế trên thị trường, vì vậy nhiều DN càng làm càng thua, cùng với đó là tình trạng thiếu trầm trọng các mỏ đất đắp để phục vụ thi công. DN gặp khó khăn kép khi nhiều dự án GPMB rất chậm hoặc GPMB theo kiểu "xôi đỗ", dẫn đến nhiều DN khó khăn, không thể tập trung máy móc thi công đồng bộ mà phải di chuyển máy móc, tập kết vật liệu liên tục hoặc phải tạm ngừng thi công chờ mặt bằng.

Bên cạnh những khó khăn chung, nhiều DN, nhà đầu tư cũng đối mặt với những thách thức do vướng mắc về thủ tục đầu tư, cơ chế, chính sách, nhất là thủ tục đầu tư trong lĩnh vực đất đai, xây dựng làm tiến độ dự án kéo dài, phát sinh nhiều chi phí. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, hiện có gần 10 DN không thể tiếp tục triển khai dự án do vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai, quy hoạch...

Không để kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp rơi vào im lặng

Theo kịch bản tăng trưởng, để năm 2024 tăng trưởng GRDP đạt 9%, hoàn thành kế hoạch đề ra, ngành nông, lâm, thủy sản tăng 4,27%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 9,74%; ngành dịch vụ tăng 11,62%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,68%. Với kịch bản tăng trưởng này, các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất và phân phối điện thuộc khu vực công nghiệp; lĩnh vực xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống, bán buôn bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải kho bãi, thông tin truyền thông, hoạt động kinh doanh bất động sản... thuộc khu vực dịch vụ được xác định sẽ là những động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Trong bối cảnh DN chưa hết khó khăn, nhằm đạt được tăng trưởng theo mục tiêu, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng chí Bùi Quang Điệp, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, cởi mở, công khai, minh bạch; tạo khí thế mới, động lực mới và cơ hội thuận lợi để cùng phát triển; giải quyết và giải quyết triệt để các kiến nghị của DN, thời gian qua, Sở KH&ĐT phối hợp với các sở, ngành, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh đã giải quyết trên 40 ý kiến của DN về những vướng mắc trong thủ tục hành chính. Nhiều địa phương đã thành lập tổ công tác liên ngành để tiếp xúc, đối thoại, phối hợp cùng giải quyết khó khăn cho DN.

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, môi giới chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DN tham gia triển lãm, hội chợ về khoa học kỹ thuật.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện các tiêu chí về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh ban hành cơ sở dữ liệu bản đồ số về xúc tiến đầu tư. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm cho biết: Cơ sở dữ liệu bản đồ số về xúc tiến đầu tư không chỉ cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hiện trạng, môi trường đầu tư, cơ chế, chính sách đầu tư mà còn công bố quy hoạch chung, quy hoạch khu, cụm công nghiệp tỷ lệ 1/500 trên địa bàn tỉnh. Đây là bước đột phá để tạo sự công khai, minh bạch trong đầu tư.

Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền và tạo sự đồng thuận của người dân đối với triển khai các dự án, hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác GPMB và chịu trách nhiệm người đứng đầu trong việc triển khai các dự án tại địa phương, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo lòng tin cho người dân trong khu vực dự án.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/191230/ho-tro-doanh-nghiep-tang-toc-nhung-thang-cuoi-nam.htm