Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ chuyển đổi số
Chuyển đổi số thường liên quan đến việc sử dụng công nghệ số để tự động hóa và cải tiến các hoạt động kinh doanh, quản lý, sản xuất, giao tiếp, và tương tác với khách hàng.
Chuyển đổi số là hành trình gian nan và đầy khó khăn với doanh nghiệp nói chung, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng. Tuy nhiên, sự nhạy bén, linh hoạt trong sử dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ công cuộc chuyển đổi trong doanh nghiệp phù hợp có thể giúp cho các tổ chức cạnh tranh và bứt tốc mạnh mẽ trong thời gian ngắn.
Theo Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết quả khảo sát 1.000 doanh nghiệp cho thấy, trong năm 2022, số lượng các doanh nghiệp được khảo sát đang tiến hành chuyển đổi số có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này.
Việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự phát triển bứt phá, nhất là với các đơn vị mạnh dạn thực hiện đổi mới sáng tạo, tăng cường sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, nhìn chung việc áp dụng nền tảng, công nghệ số tại các doanh nghiệp vẫn còn rời rạc do thiếu các giải pháp thiết thực, chưa có chiến lược thực hiện chuyển đổi số rõ ràng ngay từ đầu. Điều đó khiến chuyển đổi số doanh nghiệp chưa mang lại thành công như mong đợi.
Vì vậy, một trong các hoạt động quan trọng của chương trình đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số của Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ chuyển đổi số.
Ths Bùi Quang Cường - Chuyên gia chuyển đổi số cho biết, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi các hoạt động, quy trình, dịch vụ, sản phẩm và thông tin từ hình thức truyền thống sang dạng số hóa.
Chuyển đổi số thường liên quan đến việc sử dụng công nghệ số để tự động hóa và cải tiến các hoạt động kinh doanh, quản lý, sản xuất, giao tiếp, và tương tác với khách hàng. Điển hình trong quá trình chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), Internet of Things (IoT), blockchain để tận dụng dữ liệu, nâng cao hiệu quả hoạt động, cải tiến trải nghiệm khách hàng, tạo ra giá trị mới và đạt được những lợi ích kinh tế-xã hội nhất định.
Tuy nhiên, theo ông Cường, doanh nghiệp cần lưu ý khi tích hợp các giải pháp công nghệ. Chuyển đổi số không chỉ là quá trình kỹ thuật, mà còn đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, quản lý, và công nghệ thông tin, đồng thời cũng đặt ra những thách thức về bảo mật dữ liệu và an ninh.
“Để đạt được hiệu quả cao nhất khi tích hợp các giải pháp công nghệ trên, doanh nghiệp cần lưu ý: Làm việc chặt chẽ với các nhà phát triển công nghệ để đảm bảo giải pháp được thiết kế và triển khai phù hợp với nhu cầu và mục tiêu; Việc tích hợp các giải pháp công nghệ trên đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư về nguồn lực, bao gồm chi phí, nhân lực và kỹ năng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải thay đổi văn hóa làm việc, có sự chuẩn bị về văn hóa để giải pháp chuyển đổi số được triển khai thành công”, Ths Bùi Quang Cường nhấn mạnh.