Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phục hồi: Phải tiên phong từ chính sách
Đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 phải thực hiện giãn cách, cách ly toàn xã hội, khiến cho doanh nghiệp xây dựng điêu đứng. Cùng với những vướng mắc trong quy định của các văn bản luật càng làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để giúp doanh nghiệp xây dựng sớm phục hồi, việc sửa đổi, bổ sung những quy định pháp lý cần đi trước một bước và gắn liền với thực tế.
Nhiều khó khăn
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm nay, trong số hơn 10.000 DN đang hoạt động lĩnh vực xây dựng, có đến 50% gần như không có doanh thu trong quý II và 2 tháng quý III/2021, 17% duy trì doanh thu ổn định, số còn lại doanh thu thấp chỉ đạt 20 - 30% kế hoạch năm.
Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, DN xây dựng đang tiếp tục phải đương đầu với khó khăn do giá vật liệu xây dựng (VLXD) leo thang từ cuối năm 2020 đến nay mà chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 38% DN nhận định chi phí nhân công trực tiếp tăng, 39,6% DN nhận định chi phí nhân công trực tiếp không đổi. Trong khi đó, 72% DN ngoài Nhà nước gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng.
Số liệu thống kê khác của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chỉ ra, trong số trên 10.000 DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, có hơn 2.000 nhà thầu đóng góp một phần xứng đáng vào GDP cả nước, nhưng nhà thầu xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số văn bản pháp quy, đơn cử như công tác đền bù GPMB đang rất phức tạp, cơ quan chính quyền chưa mạnh tay về công tác đền bù. Những tỉnh đưa ra hệ số đền bù cao lại dễ triển khai hơn... Các văn bản luật hiện nay đang chồng chéo, cần đầu mối thống nhất để điều phối chung
“Thời gian vừa qua, đại dịch Covid-19 và đợt bão giá lên tới 40%, nhiều nhà thầu không dám nhận việc vì tình trạng bão giá, ngành xây dựng đang cố gắng lấy ngắn nuôi dài. Chỉ một số DN lớn vượt lên được, phần lớn đều bị ảnh hưởng. Đây là về mặt con số còn trên thực tế, các chủ đầu tư đang bị tắc nghẽn về giải ngân, vốn, Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng...” – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho hay.
Cải cách gắn với thực tế
Tại hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan”, do Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian qua, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN phát triển, Bộ đã tham mưu rút gọn, tinh giản nhiều thủ tục hành chính.
Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 - 2022, hứa hẹn hỗ trợ thực chất nhất cho DN ngành xây dựng, tạo ra sự đột phá, nâng cao chỉ số cấp phép xây dựng của ngành.
“Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021 đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%), 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tích hợp, thay thế 5 Nghị định, 7 Thông tư vào 2 Nghị định” – Bộ trưởng Lê Thanh Nghị thông tin.
Thực hiện thủ tục hành chính là một trong những thủ tục quan trọng đầu tiên, vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật tăng cường tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, từng bước thực hiện điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho chủ thể trực tiếp trong hoạt động đầu tư xây dựng, Quốc hội cũng ban hành các bộ luật như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu cải thiện về căn bản về pháp lý.
Kỳ vọng của DN trong quá trình cải cách hành chính rất cần mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và cộng đồng DN. Suy cho cùng DN chính là chủ thể trực tiếp, động lực của nền kinh tế. Vì vậy, quá trình cải cách phải gắn liền với thực tế phát triển của cộng đồng DN.
“Nhiều loại giấy phép cần phải làm hồ sơ xin cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc phải gửi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận. Cần xem xét lại để điều chỉnh tinh gọn hơn. Ban soạn thảo cần rà soát và hệ thống lại tất cả loại giấy phép có trong nghị định hiện tại, như: Xác nhận đủ điều kiện kinh doanh; Các loại văn bản thông báo cam kết” - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản và Vật liệu xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Viết Hải
Ngành xây dựng đóng góp trên 6% GDP cả nước, tổng giá trị công trình hạ tầng cầu đường nhà xưởng bất động sản rất lớn chiếm khoảng 20% GDP, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, cơ sở vật chất thiết yếu đối với những ngành kinh tế khác.