Hỗ trợ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất

Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa thông qua nghị quyết quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2023-2025.

Mô hình chăn nuôi bò giúp giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn tại ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Ảnh minh họa

Mô hình chăn nuôi bò giúp giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn tại ấp Chăm, xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Ảnh minh họa

Đối tượng được thụ hưởng chính sách là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo); người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Nhóm đối tượng còn lại là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư; tổ chức và cá nhân liên quan.

Đại biểu HĐND tỉnh khóa X biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 8.

Đại biểu HĐND tỉnh khóa X biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp thứ 8.

Nghị quyết quy định mức hỗ trợ theo dự án cụ thể như sau:

- Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa không quá 50% tổng chi phí và tối đa không quá 2 tỷ đồng thực hiện một dự án, kế hoạch liên kết.

- Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng: mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa không quá 60% tổng chi phí và tối đa không quá 360 triệu đồng thực hiện một dự án.

Mức hỗ trợ vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi đối với từng đối tượng tham gia dự án:

- Hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.

- Hỗ trợ 23 triệu đồng/hộ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại.

- Hỗ trợ 21 triệu đồng/hộ đối với hộ mới thoát nghèo.

- Hỗ trợ 21 triệu đồng/người đối với người khuyết tật không có sinh kế ổn định.

Kinh phí thực hiện chính sách từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có). Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 29.3.2018 của HĐND tỉnh ban hành quy định về mức hỗ trợ các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020.

Mô hình trồng táo tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu. Ảnh minh họa

Mô hình trồng táo tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu. Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND của HĐND và Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định về mức hỗ trợ các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020, trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ 100 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình điển hình cho các xã thuộc Chương trình 135 và các xã ngoài Chương trình 135.

Quá trình triển khai thực hiện các dự án, mô hình là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh chỉ còn 0,79% hộ cận nghèo và Tây Ninh không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương.

Tuệ Lâm

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ho-tro-du-an-da-dang-hoa-sinh-ke-phat-trien-mo-hinh-giam-ngheo-va-phat-trien-san-xuat-a161456.html