Hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế
Thời gian qua, hội nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động và định hướng giúp hội viên nông dân đưa những cây, con giống mới có giá trị vào gieo trồng, chăn nuôi; hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thời gian qua, hội nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động và định hướng giúp hội viên nông dân đưa những cây, con giống mới có giá trị vào gieo trồng, chăn nuôi; hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng trang trại, ông Đỗ Xuân Luật, hội viên Chi hội Nông dân xóm Xuyên Bến, xã Đức Lý (Lý Nhân) chia sẻ: Năm 2012 gia đình tôi mạnh dạn đề nghị với chính quyền địa phương được chuyển đổi 6 mẫu ruộng đất trũng sản xuất lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh, trong đó tập trung nuôi lợn, thả cá, chăn nuôi gà đẻ theo mô hình chuồng lạnh và trồng bưởi. Những năm đầu, tôi thường xuyên tham quan, học tập kinh nghiệm ở nhiều trang trại lớn trong tỉnh và các tỉnh khu vực miền Bắc; theo dõi các bản tin nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, thủy sản, kỹ thuật trồng cây ăn quả. Và động lực lớn nhất giúp tôi quyết tâm làm trang trại là được HND các cấp tạo điều kiện hỗ trợ về kiến thức và nguồn vốn. Đến nay trang trại của gia đình thường xuyên duy trì hơn 2 vạn gà đẻ; trồng gần 1 nghìn gốc bưởi da xanh, bưởi đường, bưởi diễn… Cùng với đó, gia đình mở đại lý thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, bán giống cây ăn quả phục vụ cho nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi thu hơn 1 tỷ đồng.
Còn với anh Phạm Minh Tân, thôn Trại Quan Nha, phường Yên Bắc (thị xã Duy Tiên) được vay 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân. Với số vốn này, anh Tân đã đầu tư máy móc để mở rộng sản xuất, kinh doanh đồ gỗ. Hiện xưởng sản xuất đồ gỗ của anh tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương hơn 8 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cùng với việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thời gian qua HND các cấp trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế. HND đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên đưa những cây, con giống mới vào gieo trồng, chăn nuôi. Cùng với đó hỗ trợ nguồn vốn, cung ứng phân bón, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. HND các cấp cũng phối kết hợp triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; hướng dẫn cơ sở hội xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, website của hội và xây dựng mô hình mới; phối hợp với ngành bưu điện giúp hội viên cập nhật giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn…
Nhằm giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, hội đã khai thác tốt nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hơn 14 nghìn hộ nông dân vay với số tiền trên 765 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp hội còn tập trung vận động và xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số nguồn vốn quỹ đạt hơn 32 tỷ đồng, giúp gần 4 nghìn hộ hội viên nông dân vay phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, hội còn thường xuyên quan tâm bằng nhiều hình thức khác như: Phối hợp với các đơn vị mở nhiều lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc rau an toàn, bảo vệ thực vật, trồng hoa, nuôi gà...
Được vay vốn và tập huấn về khoa học kỹ thuật, từ năm 2017 đến nay hội đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh đã thành lập được 250 trang trại chăn nuôi, trên 160 trang trại đa canh đạt tiêu chí trang trại theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành lập 1.057 mô hình phát triển kinh tế hộ, trong đó có 143 mô hình chăn nuôi, 256 mô hình trồng trọt, 146 mô hình đa canh, 43 mô hình thủ công mỹ nghệ, 117 loại hình mô hình khác, 352 mô hình trồng cây vụ đông hàng hóa. Các mô hình đều đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động.
Đặc biệt, thông qua nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp hội đã thành lập 1 câu lạc bộ sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi cấp tỉnh, 3 câu lạc bộ nông dân SXKD giỏi cấp huyện, thành phố, thị xã; 110 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 23 hợp tác xã và 45 tổ hợp tác, 42 chi hội nghề, hơn 450 nghìn lượt hộ nông dân đăng ký phong trào thi đua SXKD giỏi. Qua bình xét đã có trên 300 nghìn hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp…Cùng với đó, HND các cấp đã tạo việc làm tại chỗ cho hơn 80 nghìn lao động; giúp đỡ vốn, cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho hàng nghìn lượt hộ nông dân; giúp hơn 5 nghìn hộ nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng…
Thời gian tới, HND các cấp trong tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao nhận thức, kỹ năng cho hội viên nông dân; chú trọng việc nhân rộng các mô hình mới trong phát triển kinh tế, giúp hội viên tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.