Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý: Nhìn từ kinh nghiệm của phụ nữ Phú Thọ
Sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện Đề án 'Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030' (sau đây gọi tắt là Đề án 01) trong các cấp Hội LHPN tỉnh Phú Thọ, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong tư duy làm kinh tế, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.
Bà Phan Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ, chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh trong triển khai Đề án 01 với nhiều cách làm hay, sáng tạo.
PV: Xin bà cho biết thực trạng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ quản lý trước khi có Đề án 01?
Bà Phan Hồng Nhung: Trước đó, phần lớn hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) do phụ nữ quản lý trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, số lượng thành viên ít; trình độ, năng lực của Ban lãnh đạo HTX hạn chế, chưa thực sự mạnh dạn, quyết liệt mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm, dịch vụ.
Ngay sau khi Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án 01, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 01 của tỉnh và Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Hội LHPN tỉnh Phú Thọ được giao là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
PV: Các cấp Hội trong tỉnh đã thực hiện công tác tuyên truyền Đề án 01 như thế nào để "đúng" và "trúng"?
Bà Phan Hồng Nhung: Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền Đề án 01 gắn với tuyên truyền Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", các nhiệm vụ, hoạt động công tác Hội; các phong trào, cuộc vận động, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
Thông qua các hình thức đa dạng như: tập huấn, truyền thông, gặp mặt, giao lưu, trao đổi tọa đàm, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, hội viên, phụ nữ và nhân dân được tiếp cận thường xuyên với Đề án.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và quan tâm biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình thực hiện tốt Đề án.
PV: Được biết các cấp Hội LHPN tỉnh có nhiều hình thức hỗ trợ sát với thực tế để nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
Bà Phan Hồng Nhung: Các cấp Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh hoạt động phối hợp tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX, THT do phụ nữ tham gia quản lý bằng nhiều hình thức: hỗ trợ kiến thức kinh doanh, tư vấn pháp lý; hỗ trợ tiếp cận vốn; hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, nguyên vật liệu.
Trong hơn 1 năm đầu triển khai Đề án, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp tổ chức được 22 lớp tập huấn về kiến thức phát triển kinh tế tập thể, HTX, THT; ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới trong sản xuất, công tác quản trị, điều hành cho hơn 2.950 cán bộ, hội viên, phụ nữ và các HTX, THT có phụ nữ tham gia quản lý.
Hội LHPN tỉnh hỗ trợ dụng cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất cho một số HTX, THT với tổng trị giá 195 triệu đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ phụ nữ thành lập 3 HTX.
Đặc biệt, tháng 8/2024, Hội LHPN và Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ, giai đoạn 2024 - 2030, nhằm hỗ trợ nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, củng cố chất lượng hoạt động của HTX do phụ nữ quản lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ Hội; tư vấn hỗ trợ phụ nữ thành lập thêm HTX, tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tạo điều kiện để các HTX được tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đã có 24 lượt HTX, THT do phụ nữ tham gia quản lý được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ HTX của tỉnh, với tổng dư nợ đến nay là 5,4 tỷ đồng.
PV: Xin bà chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ các HTX, THT xây dựng thương hiệu để đạt hiệu quả đầu ra cho sản phẩm?
Bà Phan Hồng Nhung: Xác định hỗ trợ HTX mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm, dịch vụ, tăng doanh thu và lợi nhuận là yếu tố quyết định giúp HTX phát triển bền vững và lâu dài, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị hướng dẫn các HTX, THT xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, định vị thị trường, kinh doanh trên nền tảng số.
Chúng tôi cũng hướng dẫn các HTX tham gia Chương trình OCOP trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của từng địa phương theo chuỗi giá trị, sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch.
Thời gian qua, 5 HTX đã được Hội hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì; 11 HTX do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại. Chúng tôi cũng phối hợp với Sở Công thương tỉnh hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, quy trình đăng ký cho 15 sản phẩm của HTX do phụ nữ làm chủ lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh (giaothuong.net).
Đến nay, toàn tỉnh có 89/237 sản phẩm của phụ nữ được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Kết quả bước đầu của Đề án 01 sẽ là cơ hội thúc đẩy, tạo chuyển biến về chất và lượng trong phát triển kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
PV: Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!