Hỗ trợ hợp tác xã xây dựng tiêu chuẩn hướng đến xuất khẩu
Ðể hướng đến xuất khẩu (XK), hiện nay các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã xây dựng tiêu chuẩn LocalGap là 'bước đệm' trung chuyển giữa tiêu chuẩn VietGap (ứng dụng trong nước) và tiêu chuẩn quốc tế GlobalGap, tạo điều kiện cho nông trại nhỏ, chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam có cơ hội tham gia XK...
Thực tế cho thấy, nông sản Việt Nam rất đa dạng, phong phú nhưng chưa được thị trường thế giới biết đến nhiều, giá trị mang lại thấp, tình trạng “được mùa mất giá” hoặc “giải cứu” liên tục xảy ra trong nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp hiệu quả để giải quyết, ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản trong nước.
Ðể nông sản phát triển bền vững, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC) đã triển khai chương trình “HVNCLC - Chuẩn hội nhập” hỗ trợ cho nông dân xây dựng tiêu chuẩn LocalGap. “LocalGap là một tiêu chuẩn được xây dựng bởi Hội DNHVNCLC và GlobalGap nhằm tạo thuận lợi cho nông trại nhỏ, nhóm chiếm hơn 70% trong cơ cấu nông nghiệp của Việt Nam có thể tham gia XK.
LocalGap là “bước đệm” làm trung chuyển giữa tiêu chuẩn VietGap (ứng dụng trong nước) và tiêu chuẩn quốc tế GlobalGap. Các HTX đạt chuẩn LocalGap sẽ được công bố trên trang chủ của tổ chức LocalGap, như tấm giấy thông hành đầu tiên về tiêu chuẩn mà qua đó, các nhà bán lẻ thế giới nhận diện và tin cậy giao tiếp, mua hàng”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DNHVNCLC nói.
Hiện, có nhiều HTX trên cả nước đã xây dựng tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước nhưng vẫn lúng túng không biết làm cách nào để đạt tiêu chuẩn GlobalGap, bước ra thị trường thế giới. Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm (Bến Tre) chia sẻ: “Bưởi da xanh của HTX Giồng Trôm hiện đã đạt được chứng nhận OCOP 4 sao, đạt chứng nhận VietGap và sản phẩm của HTX hiện phân phối ở tất cả các siêu thị trong Nam ngoài Bắc, các nhà cung cấp ở trong nước, nhưng chưa “bước chân” ra được thị trường XK”.
Bà Kim Thanh, Chuyên gia Hội DNHVNCLC giải thích: Khi HTX đã làm tiêu chuẩn VietGap thì những yêu cầu cơ bản về việc quản lý đất, sử dụng phân thuốc, giữ gìn vệ sinh vườn trồng, ghi chép nhật ký... được thực hiện tốt rồi, đã có nền tảng nên khi lên tiêu chuẩn GlobalGap sẽ nhẹ nhàng hơn. “Làm tiêu chuẩn GlobalGap phải có thời gian. Vì vậy, các HTX cứ làm tốt tiêu chuẩn LocalGap. Bởi đây là tiêu chuẩn để HTX sẵn sàng tham gia vào “sân chơi” mở, trong nước hay quốc tế đều được. Khi nào thị trường có yêu cầu thì mình sẽ chuyển đổi từ LocalGap lên GlobalGap”, bà Kim Thanh khẳng định.
Theo đại diện GlobalGap tại Việt Nam, người tiêu dùng thế giới ngày càng có nhu cầu dùng thực phẩm chất lượng được tạo ra một cách an toàn bền vững. Các nhà bán lẻ toàn cầu đáp ứng các yêu cầu đó bằng cách áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Trong đó, họ yêu cầu các nhà sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm được sản xuất an toàn và đạt chứng nhận. Tuy nhiên, nhà bán lẻ có nguồn hàng bị hạn chế vì những nông dân sản xuất quy mô nhỏ hoặc mới tham gia vào sản xuất nông nghiệp có thể chưa đạt các chứng nhận hoặc chưa tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP). Do đó, việc xây dựng tiêu chuẩn LocalGap như là một công cụ để nâng cao năng lực sản xuất; định hướng, hỗ trợ nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để cải tiến hệ thống quản lý trang trại,
Trong khi đó, hiện nay tại các HTX tình trạng các xã viên “mạnh ai nấy làm” đang xảy ra khá phổ biến. Trong khi các tiêu chuẩn VietGap, LocalGap, GlobalGap thì bắt buộc phải có chuỗi giá trị (xã viên phải sử dụng đúng các dịch vụ vật tư nông nghiệp, bán hàng qua HTX, đảm bảo tiêu chí truy xuất nguồn gốc...). Chính vì vậy, để làm được các tiêu chuẩn, để ngành nông sản phát triển bền vững, có chỗ đứng ổn định tại thị trường trong nước và quốc tế thì buộc phải khắc phục những tồn tại trên.