Hỗ trợ lao động bị giãn việc, mất việc
Nhằm chia sẻ với người lao động bị giãn việc, mất việc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT (ngày 16-1-2023) về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Triển khai thực hiện nghị quyết, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã yêu cầu liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lao động gặp khó khăn để kịp thời hỗ trợ.
Người lao động phấn khởi
Theo Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT, đối tượng được nhận hỗ trợ gồm đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, ngừng việc; tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023. Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người đối với người lao động bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc từ 14 ngày trở lên mà có thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người dành cho người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên. Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người được thực hiện với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trên thực tế, các đơn vị, doanh nghiệp thuộc diện bị cắt, giảm đơn hàng tại Hà Nội không xảy ra ồ ạt như các tỉnh, thành phố phía Nam nhưng tình trạng này đã xảy ra khiến đời sống nhiều lao động bấp bênh. Thuộc diện mất việc làm do công ty thiếu đơn hàng, sau khi nghe thông tin có chương trình hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Hương, ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) phấn khởi cho biết, số tiền trợ cấp sẽ giúp chị có thêm một khoản chi cho cuộc sống hằng ngày. Chị rất mừng vì thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ để hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng đã được hưởng số tiền 3 triệu đồng. "Trong lúc đang không có việc làm, số tiền này là sự động viên lớn và rất cần thiết đối với tôi", chị Hương nói.
Trong khi đó, anh Trần Văn Thảo, công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) thuộc diện bị giãn việc làm nên thu nhập bấp bênh. Nghe thông tin những lao động như mình sẽ được hỗ trợ nên anh rất mừng và đang chờ doanh nghiệp rà soát, lên danh sách để sớm được nhận khoản tiền, giúp trang trải phần nào cuộc sống.
Rà soát nhanh để sớm hỗ trợ
Theo Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng, Liên đoàn Lao động thành phố đã ban hành hướng dẫn, yêu cầu liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp, thống nhất các trường hợp thuộc diện được hỗ trợ do giãn việc, mất việc tại thời điểm nêu trên để tiến hành các bước thực hiện theo quy định, hạn cuối cùng là ngày 31-3-2023. Liên đoàn Lao động thành phố cũng yêu cầu công đoàn cơ sở nắm bắt thực tiễn, dự báo sớm tình hình và quan hệ lao động, từ đó có cơ sở để tham mưu tốt, kịp thời trong công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Với mỗi trường hợp, người lao động được chi trả hỗ trợ một lần. Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất. Trường hợp đã được hưởng chính sách hỗ trợ ở mức thấp, sau đó chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa hai mức hỗ trợ.
Đến nay, Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở vẫn chưa có báo cáo cụ thể số lao động bị giãn việc, mất việc thuộc diện hưởng tiền hỗ trợ từ Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong 2 tháng qua, thành phố đã ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 5.860 người, với số tiền hỗ trợ là 175,8 tỷ đồng.
Về vấn đề này, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh Trần Thu Hằng khẳng định, đơn vị đã thông báo đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn sớm kiểm tra, rà soát số lao động thuộc diện giãn việc, mất việc đủ điều kiện để hưởng trợ cấp từ thành phố. "Khi các doanh nghiệp tổng hợp đủ số liệu, gửi đến Liên đoàn Lao động huyện thì chúng tôi sẽ báo cáo Liên đoàn Lao động thành phố để nhanh chóng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động", bà Hằng nhấn mạnh.
Được biết, liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã đã triển khai hướng dẫn rộng rãi đến các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhằm tổng hợp các trường hợp người lao động gặp khó khăn do giãn việc, mất việc. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tăng cường thông tin tuyên truyền để các công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động nắm bắt và làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ nếu đủ điều kiện. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng nỗ lực cung cấp thông tin về những vị trí việc làm trống nhằm hỗ trợ người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường, giải phóng áp lực khó khăn do mất việc làm.