Hỗ trợ lao động chuyển đổi nghề 'hậu' Covid-19

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến hầu hết lao động trong các lĩnh vực, ngành nghề. Khi thu nhập bị giảm, nhiều lao động đã linh hoạt chuyển đổi nghề.

Năm 2021, chị Giàng Thị Mỏ, thôn Sán Trá Thền Ván, xã Lùng Cải (huyện Bắc Hà) làm công nhân tại một công ty sản xuất ốp điện thoại ở tỉnh Bắc Giang với lương tháng hơn 5 triệu đồng. Tháng 5/2021, công ty không có đơn hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chị phải nghỉ việc. Trở về quê, chị Mỏ quyết định khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi và trồng trọt. Chị vay 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua hơn 20 con lợn đen bản địa và chăm sóc 400 gốc mận Tả Van. Chị Mỏ tâm sự: Về quê, cuộc sống bận rộn, vất vả hơn, nhưng thu nhập gia đình dần ổn định. Năm nay, mận bắt đầu bói quả, nếu không bị mưa đá có thể cho thu cả trăm triệu đồng. Tôi còn có cơ hội tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương và được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã.

Các lớp đào tạo nghề giúp nhiều lao động nông thôn tìm được hướng chuyển đổi nghề.

Các lớp đào tạo nghề giúp nhiều lao động nông thôn tìm được hướng chuyển đổi nghề.

Cũng như chị Mỏ, anh Hoàng Văn Khơi, thôn Lủ 1, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) từng lái xe thuê cho một doanh nghiệp, lương và thu nhập ổn định. Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, anh không có việc làm, phải về quê. Nhận thấy mô hình nuôi gà là hướng đi khá hiệu quả và phù hợp nên anh quyết định vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xây dựng 2 chuồng nuôi gà với quy mô 3.000 con mỗi lứa. Mỗi năm, gia đình anh xuất chuồng 4 lứa gà, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Anh Trần Văn Quang, thôn Sơn Hà, xã Bản Vược (huyện Bát Xát) từng có nhiều năm đi làm thuê, trải qua nhiều công việc, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống. Thông qua các phương tiện truyền thông và tham quan các mô hình kinh tế hộ, đầu năm 2021, anh quyết định cải tạo ao để nuôi ốc nhồi.

Từ số vốn 2 triệu đồng mua giống, đến nay anh Quang đã thu hoạch 2 lứa, mỗi lứa 1 tạ ốc thương phẩm với giá bán 100.000 đồng/kg, thu về 20 triệu đồng. Năm 2021, anh vay 200 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư nuôi ngựa, nuôi lợn rừng. Đến nay, anh đã có 24 con ngựa, 30 con lợn rừng, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chị Mỏ, anh Khơi, anh Quang là 3 trong số rất nhiều lao động của tỉnh Lào Cai trở về quê hương lập nghiệp sau những ngày dài thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trải qua thời gian đầu với ít nhiều lúng túng, nhiều lao động đã chuyển đổi nghề thành công. Nhiều địa phương triển khai các biện pháp giúp người lao động chuyển đổi nghề, giải quyết bài toán thiếu hụt lao động, huy động được nguồn nhân lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bà Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao cho biết: Để hỗ trợ lao động địa phương chuyển đổi nghề nghiệp, UBND xã đã tạo điều kiện cho công dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất; hỗ trợ tìm việc làm; tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn xã có 497 hộ vay vốn chuyển đổi sản xuất thông qua các nguồn vốn vay, trong đó 141 hộ vay vốn giải quyết việc làm, 356 hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, xã kết nối mở thêm 2 lớp dạy nghề may cho 70 lao động.

Huyện Bát Xát có hơn 700 lao động bị ảnh hưởng việc làm sau Covid-19. Để ổn định việc làm và cuộc sống cho số lao động này, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề, giới thiệu việc làm; chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện liên kết với Trường Cao đẳng Lào Cai, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn, đào tạo, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đến nay, Bát Xát mở được 10 lớp đào tạo nghề cho 325 học viên, giải quyết việc làm mới cho hơn 1.500 lao động. Huyện còn đẩy nhanh tiến độ các dự án chăn nuôi ngựa sinh sản, chăn nuôi lợn bản địa, cá nước lạnh, cây ăn quả... giúp người lao động chủ động chuyển đổi sản xuất.

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Do dịch bệnh, đã có 15.993 lao động làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương. Trong tổng số lao động mất việc làm, tạm nghỉ, làm việc luân phiên, giảm giờ làm, đã có trên 80% chủ động chuyển đổi ngành nghề tìm kiếm việc làm.

“Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 373 ngày 21/10/2021 về khảo sát nhu cầu học nghề, giới thiệu việc làm đối với lao động tỉnh Lào Cai đi làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng thời, sở phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 116 của Chính phủ. Toàn tỉnh đã có hơn 100.000 lượt người được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 120 tỷ đồng” - ông Ông Đinh Văn Thơ nói.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong 4 tháng đầu năm 2022, trung tâm đã phối hợp tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm, thu hút hơn 1.000 lao động tham gia; giải quyết việc làm cho 5.652 lao động, đạt 43,5% kế hoạch năm. Các hoạt động này giúp người lao động tiếp cận thông tin, tìm được hướng chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356669-ho-tro-lao-dong-chuyen-doi-nghe-hau-covid19