Hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Việc đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất theo chương trình khuyến công sẽ giúp đỡ các đơn vị thúc đẩy quá trình đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tích cực hỗ trợ

Thành lập năm 2017, Cơ sở điêu khắc Út Trắng (xã Long Điền A, Chợ Mới, An Giang) là đơn vị chuyên sản xuất - kinh doanh các mặt hàng mộc mỹ nghệ, như: tủ, bàn, ghế; đồng thời gia công các sản phẩm điêu khắc, tượng gỗ... Anh Lê Hùng Sức (chủ Cơ sở điêu khắc Út Trắng) cho biết, trong quá trình hoạt động, cơ sở gặp không ít những khó khăn. Ngoài ra, nhiều sản phẩm không thể gia công được phải thuê người khác làm. Việc chế tác các sản phẩm bằng phương pháp thủ công mất rất nhiều thời gian, công sức nên cơ sở không thể hoàn thành kịp tiến độ cho khách hàng...

Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến giúp các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh

Năm 2020, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), anh Sức mạnh dạn đầu tư 1 máy CNC 2614-2z-6 (6 đầu đục, công suất 2,2Kw). Tổng giá trị sản phẩm 407 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp An Giang hỗ trợ 200 triệu đồng, còn lại gia đình anh đối ứng nguồn vốn. Ngoài hỗ trợ nguồn tiền, anh Sức còn được hỗ trợ kỹ thuật vận hành thiết bị, thiết kế sản phẩm trên máy tính... nên việc sản xuất gặp nhiều thuận lợi hơn. Đến nay, sau thời gian hoạt động, anh Sức đánh giá: “So với phương pháp sản xuất thủ công, việc điêu khắc bằng máy CNC hiệu suất tăng gấp 4 lần. chất lượng sản phẩm làm ra được đồng đều, đáp ứng nhu cầu của cơ sở cũng như của khách hàng”.

Với việc trang bị máy CNC giúp anh Sức có thể chạm khắc 3D và 4D. Đối với phương pháp khắc 3D, sản phẩm thường là: cửa, tranh, lịch, tủ áo, giường... Còn khắc 4D sản phẩm là các bức tượng: Phúc - Lộc - Thọ, phật Di Lặc, quan thế âm Bồ Tát, Quan Công... Hiện nay, các sản phẩm của cơ sở Út Trắng được đánh giá cao trên thị trường.

Ngoài Cơ sở điêu khắc Út Trắng, năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp còn tổ chức nghiệm thu và giải ngân 15 đề án khuyến công địa phương, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 3,1 tỷ đồng. Trong đó có thể kể đến, như: hỗ trợ máy tiện (tổng kinh phí 209 triệu đồng) cho dự án hỗ trợ máy tiện trong việc sản xuất thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (Châu Thành); hỗ trợ máy sấy năng lượng mặt trời (396 triệu đồng) cho dự án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong quy trình sản xuất trà Atiso đỏ (Thoại Sơn); hỗ trợ nồi áp suất (trị giá 190 triệu đồng) cho dự án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào quy trình sản xuất rượu (Châu Phú)... Theo đánh giá của các cơ sở thụ hưởng, việc ứng dụng các loại máy móc, thiết bị được hỗ trợ đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian sản xuất được rút ngắn, sản phẩm làm ra chất lượng, đảm bảo nhu cầu của thị trường, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với phương pháp truyền thống.

Đồng hành cùng cơ sở

Đầu năm 2021, chương trình khuyến công của tỉnh hoạt động tích cực, tiếp tục triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất của các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Theo đó, đã hoàn chỉnh hồ sơ giải ngân 2 đề án khuyến công quốc gia năm 2020 cho 4 đơn vị thụ hưởng, với tổng kinh phí hỗ trợ 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn phê duyệt 15 đề án khuyến công địa phương năm 2021 với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 3,2 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, đã phối hợp Phòng Kinh tế TP. Long Xuyên, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Tân và Tri Tôn khảo sát, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn lập đề án hỗ trợ chính sách khuyến công từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2021.

Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục phối hợp Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố khảo sát, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn lập đề án hỗ trợ chính sách khuyến công từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2021. Từ đó, giúp các cơ sở nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu, nhiên liệu và giảm thiểu phát thải, hạn chế ô nhiễm...

Ngoài ra, ngành chức năng còn tăng cường tuyên truyền hoạt động khuyến công - tư vấn phát triển công nghiệp và tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách mới có liên quan đến khuyến công trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời triển khai thực hiện đề án thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đạt tiêu chí sản phẩm cấp tỉnh và cấp quốc gia theo lộ trình…

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ho-tro-may-moc-trang-thiet-bi-cho-cac-co-so-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep-a301621.html