Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam: Sẽ gạt bỏ đối tượng chỉ vì tiêu cực?
Có đi xuống với những gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học mới thấy được họ cần chính sách như thế nào, do đó không nên chỉ vì tiêu cực mà thu hẹp chính sách với nhóm đối tượng này.
Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) sẽ có những thay đổi về chính sách dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Sự điều chỉnh này sẽ bao gồm cả việc mở rộng đối tượng và thu hẹp chính sách.
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp lấy ý kiến một số nội dung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 25.10 tại Hà Nội.
Thay đổi về chính sách chất độc hóa học
Dự thảo pháp lệnh đang đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi đối với đối tượng thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên tiếp tục thực hiện theo chế độ bảo trợ xã hội chứ không cần bổ sung chính sách mới.
Trong thời gian 10 năm, 76,9 triệu lít hóa chất đã rải xuống rừng núi và đồng ruộng Việt Nam. Tổng số diện tích đất đai bị ảnh hưởng hóa chất là 2,63 triệu hécta, có gần 5 triệu người sống tại các địa bàn này. Theo khảo sát của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thì ước tính khoảng 27.000 trường hợp thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.
Theo cơ quan chuyên môn về khám chữa bệnh của Bộ Y tế thì nguyên nhân gây ra dị dạng, dị tật không phải chỉ do chất độc hóa học mà còn có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với thế hệ thứ 3.
Góp ý cho dự thảo Pháp lệnh, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng hiện nay chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học.
Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cũng cho biết thêm số lượng các cháu bị dị dạng, dị tật tuy không nhiều song căn cứ xác định không rõ ràng, qua tham khảo chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng nhất là những người dân sinh sống tại địa bàn bị nhiễm chất độc hóa học. Mặt khác, các cháu cũng đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội nên việc bổ sung chính sách người có công với các cháu chưa nhận được nhiều đồng thuận, đang cần lấy thêm ý kiến.
Cũng liên quan đến chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, dự thảo đang xem xét việc thực hiện trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hàng tháng đối với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21-40%.
Lý giải cho việc điều chỉnh thu hẹp lại chính sách hỗ trợ, ông Đào Ngọc Lợi cho biết theo báo cáo của các địa phương và thanh tra, kiểm tra, việc lạm dụng chính sách, khó kiểm soát trong thời gian vừa qua tập trung chủ yếu ở nhóm người bị phơi nhiễm chất độc hóa học gây tổn thương cơ thể từ 21-40%, gây bức xúc trong dư luận.
Theo các địa phương báo cáo, đa số các đối tượng có tỷ lệ tổn thương 21-40% mắc các bệnh như: Thần kinh ngoại biên cấp và bán cấp tính, tiểu đường, rối loạn tâm thần mức độ vừa... Những đối tượng này vẫn lao động, sinh hoạt bình thường và nếu được điều trị, phục hồi chức năng tốt thì bệnh sẽ giảm. Mặt khác, người bình thường không bị phơi nhiễm với chất độc hóa học cũng thường mắc các bệnh nói trên.
Nên có chế độ cho thế hệ thứ ba bị nhiễm dioxin
Góp ý cho đề xuất thực hiện trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hàng tháng đối với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21-40%, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ ra một hiện tượng có một số nơi cả làng, cả xã “chạy” để hưởng chế độ dành cho người bị phơi nhiễm chất độc hóa học.
“Nếu chúng ta chuyển thành chế độ cho hưởng một lần thì người dân sẽ không cố tình làm hồ sơ giả để được hưởng trợ cấp nữa,” ông Nguyễn Tiến Tùng nói.
Đại tá Nguyễn Duy Xuất, Phó Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ (Bộ Công an) thì lại cho rằng, đối tượng có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21-40% đang hưởng trợ cấp không nhiều (hơn 23.000 người). Nếu đang hưởng trợ cấp thường xuyên nay chuyển sang hưởng trợ cấp một lần có thể gây ra nhiều tâm tư, khiếu nại, khiếu kiện…
Ngay cả với đối tượng thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học (khoảng hơn 27.000 người) cũng không phải số lượng lớn, trong khi đó theo ông Nguyễn Duy Xuất thì các trường hợp gia đình bị phơi nhiễm chất độc hóa học đều có hoàn cảnh khó khăn, nếu giải quyết được hỗ trợ thì nên có chính sách giải quyết.
Đồng quan điểm, đại tá Đoàn Quang Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chính sách Bộ Quốc phòng) cho rằng: “Sai thì thu hồi nhưng đang trợ cấp mà cắt thì người ta sẽ không chịu” và đề nghị dứt khoát phải đưa thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học vào Pháp lệnh.
Cũng đề nghị đơn vị soạn thảo nên nghiên cứu, tính toán để đưa đưa những người bị nhiễm chất độc hóa học thế hệ thứ 3 được hưởng chính sách người có công, ông Nguyễn Bá Bồng, Phó Trưởng ban Tổ chức-Chính sách (Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam) nhấn mạnh không nên vì chống tiêu cực mà gạt bỏ đối tượng hưởng chế độ chất độc hóa học ra ngoài, có đi xuống với những gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học mới thấy được họ cần chính sách như thế nào.
“Trong thực tiễn không chỉ những đối tượng nhiễm chất độc hóa học mà cả thương binh, liệt sỹ đều có những tiêu cực, quan trọng là cách quản lý, hướng dẫn văn bản thực hiện cụ thể, rõ ràng để chống tiêu cực”, ông Nguyễn Bá Bồng nói.