Hỗ trợ, nâng cao đời sống cho người mù

Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, giúp đỡ tạo việc làm cho hội viên nâng cao đời sống đã và đang được Hội Người mù tỉnh quan tâm thực hiện, mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Từ đó, hội viên thêm tin tưởng, gắn bó, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Trần Văn Thống trao giấy khen cho các hội viên vượt khó. Ảnh: KIM CHI

Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Trần Văn Thống trao giấy khen cho các hội viên vượt khó. Ảnh: KIM CHI

Hội Người mù tỉnh hiện có 1.230 hội viên; trong đó, người cao tuổi chiếm hơn 80%. Hội viên trong độ tuổi lao động 248 người; 188 người thuộc diện hộ nghèo; 29 trẻ em mù dưới 15 tuổi. 100% hội viên được hưởng trợ cấp hằng tháng và bảo hiểm y tế.

Đào tạo nghề, tạo việc làm

Thành lập từ năm 2009 đến nay, trải qua gần 14 năm hoạt động, với phương châm vừa hoạt động, vừa xây dựng phát triển tổ chức, Hội Người mù tỉnh đã đẩy mạnh việc thành lập các lớp dạy chữ Braille, cũng như dạy nghề tạo việc làm, ổn định phát triển kinh tế gia đình cho hội viên…

Ông Trần Văn Thống, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Công tác dạy chữ, dạy nghề được tỉnh hội quan tâm thực hiện ngay sau khi ổn định hệ thống tổ chức hội. Từ năm 2012 đến nay, Hội Người mù tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên dạy chữ, dạy nghề massage cơ bản và dạy về kỹ năng sống cho 46 hội viên và trẻ em mù. Sau khi kết thúc khóa học, học viên biết đọc, biết viết chữ Braille, có tay nghề cơ bản để làm việc tại các trung tâm xoa bóp, ấn huyệt. Ngoài ra, tỉnh hội còn tạo điều kiện cho 38 hội viên theo học các khóa học ngắn hạn về tin học online, xoa bóp, ấn huyệt… Đến nay, tất cả hội viên đang làm việc tại các cơ sở dịch vụ massage trong và ngoài tỉnh có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Anh Trương Văn Hội (30 tuổi) ở huyện Tây Hòa chia sẻ: Năm 16 tuổi, trên đường đi phụ hồ, tôi bị tai nạn chấn thương sọ não. Nhiều tháng trời điều trị, mọi thứ với tôi trở lại bình thường, duy chỉ có đôi mắt là khép lại mãi mãi. Thế rồi, tôi tới Hội Người mù tỉnh để tìm sự đồng cảm từ những người cùng hoàn cảnh. Tôi được hội cho học chữ nổi, hướng nghiệp nghề và tôi đã chọn công việc xoa bóp, bấm huyệt. Có nghề, đi làm có lương, tôi thấy mình có ích, có động lực để tiếp tục vươn lên. Giờ mỗi tháng, với mức thu nhập 6-7 triệu đồng, tôi có thể giúp kinh tế gia đình, lo cho các con ăn học.

Song song với công tác dạy nghề và tạo việc làm cho hội viên, Hội Người mù tỉnh còn tập trung nhân rộng mô hình phát triển kinh tế gia đình, động viên hội viên vượt qua khó khăn, phấn đấu xóa đói, giảm nghèo. Hội viên người mù được vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm để chăn nuôi, sản xuất kinh doanh đạt kết quả tốt, nhiều người có việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tính đến nay, Tỉnh hội đã thực hiện 234 dự án, nguồn vốn cho vay xoay vòng hơn 3 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho 258 lao động, giúp người mù có thu nhập, giảm bớt gánh nặng gia đình, không còn mặc cảm, tự ti.

Hội viên người mù huyện Tuy An được vay vốn để nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: VIỆT AN

Hội viên người mù huyện Tuy An được vay vốn để nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: VIỆT AN

Nỗ lực hòa nhập cộng đồng

Tuy còn nhiều khó khăn về kinh phí, song Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh và các cấp hội luôn cố gắng tìm nguồn, tạo điều kiện giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình ổn định đời sống, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới.

Ông Trần Văn Thống cho biết thêm: Ban Chấp hành Hội Người mù tỉnh và các cấp hội luôn quan tâm nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đời sống của từng hội viên; tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân để kịp thời thăm hỏi, động viên cán bộ, hội viên về vật chất lẫn tinh thần. Từ đầu năm đến nay, hầu hết hội viên được trợ cấp, tặng quà. Qua đó giúp hội viên người mù xóa bỏ tâm lý mặc cảm tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

“Thời gian tới, hội tiếp tục phát triển công tác dạy nghề, tạo việc làm, huy động nguồn vốn từ các nhà hảo tâm. Dù đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng còn khối óc, bằng ý chí, nghị lực cùng sự quan tâm của các cấp ủy đảng, sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền, các tổ chức, cá nhân…, người khiếm thị trong tỉnh ngày càng nỗ lực vượt qua số phận, vươn lên ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng”, ông Thống khẳng định.

Có nghề, đi làm, có lương, tôi thấy mình có ích, có động lực để tiếp tục vươn lên. Mỗi tháng, với mức thu nhập 6-7 triệu đồng, tôi có thể giúp kinh tế gia đình, lo cho các con ăn học.

Anh Trương Văn Hội (30 tuổi) ở huyện Tây Hòa

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/303471/ho-tro-nang-cao-doi-song-cho-nguoi-mu.html