Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ
Với phương châm đồng hành cùng phụ nữ, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong đó, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những chương trình được các cấp Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở triển khai có hiệu quả, qua đó giúp nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.
Đến thăm gia đình chị Phạm Thị Hòa, hội viên phụ nữ thôn Hà Thanh, xã Yên Nhân (Yên Mô) - người phụ nữ khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi chim yến, chúng tôi không khỏi cảm phục tinh thần, ý chí và nghị lực vươn lên của người phụ nữ này. Chị Phạm Thị Hòa cho biết: Ban đầu, vợ chồng chị mở cửa hàng dịch vụ làm tóc tại nhà, tuy nhiên thu nhập không cao nên quyết định chuyển hướng. Sau khi tìm hiểu và tham khảo kinh nghiệm ở nhiều tỉnh, thành phía Nam, chị lựa chọn khởi nghiệp bằng mô hình nuôi chim yến.
Năm 2016, từ nguồn vốn tích góp và vay mượn thêm anh em, bạn bè, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nuôi chim yến (diện tích 100m2 ) tại tầng 2 của gia đình, chi phí gần 500 triệu đồng. Khi mới triển khai mô hình, chị Hòa gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm lại gặp những điều kiện bất lợi từ khí hậu ở miền Bắc (mùa đông thì rét đậm, rét hại kéo dài, mùa hè nắng nóng gay gắt), vì vậy ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng của đàn yến.
2 năm đầu, số lượng chim yến về làm tổ ít và bị chết nhiều. Những rủi ro ban đầu từ nghề nuôi chim yến không làm giảm đi ý chí phấn đấu vươn lên của chị Hòa. Không ngừng tìm tòi, nghiên cứu trên sách, báo, ti vi, chị Hòa tích cực học hỏi thêm kỹ thuật và dần khắc phục những bất cập trong nuôi chim yến.
Năm 2021, được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp cho vay 114 triệu đồng từ nguồn Quỹ quay vòng hỗ trợ phụ nữ tỉnh, chị Hòa đầu tư thêm các trang thiết bị như: hệ thống máy điều hòa không khí, máy sưởi, máy phun sương, giữ độ ẩm cho nhà nuôi yến. Từ đó, số lượng đàn yến về làm tổ đông hơn, chim yến không bị chết và bắt đầu có sản phẩm.
Sau 5 năm đầu tư, mô hình nuôi chim yến của gia đình chị Phạm Thị Hòa đã có hơn 6.000 con chim yến, mỗi tháng thu được 2kg yến thô, 1,2 - 1,5kg yến tinh, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động. Hiện nay, cơ sở cung cấp ra thị trường các sản phẩm từ yến như: yến tươi, yến thô, yến tinh.
Mỗi năm, cơ sở đạt doanh thu 500 triệu đồng; sau khi trừ mọi chi phí, gia đình thu về trên 200 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở đó, hiện chị Hòa đã nhân rộng thêm 2 nhà nuôi chim yến với diện tích 200m2 tại tỉnh Thanh Hóa. Sản phẩm yến sào Huân Hòa đã được thị trường đón nhận và đánh giá cao về chất lượng, cuối năm 2021 sản phẩm yến sào Huân Hòa của gia đình chị Hòa được vinh danh "Thương hiệu vàng doanh nghiệp Việt Nam".
Mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình con nuôi mới, quyết tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm yến sào Huân Hòa tại địa phương, chị Phạm Thị Hòa là tấm gương tiêu biểu trong nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Tấm gương khởi nghiệp của chị đã thực sự có sức lan tỏa, trở thành động lực, khơi nguồn cho ý chí, khát vọng vươn lên trong thời hội nhập của phụ nữ nông thôn.
Chị Hòa chia sẻ: Có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự kiên trì, nỗ lực quyết tâm của bản thân trong tìm tòi hướng đi mới, tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ, đồng hành, trợ giúp về vốn, kinh nghiệm, kỹ năng để tôi khởi nghiệp thành công. Chị Phạm Thị Hòa là một trong rất nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã khởi nghiệp thành công từ sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ. Điều đó cũng cho thấy tính hiệu quả mà chương trình mang lại.
Được biết, thực hiện Đề án 939 của Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025", Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở lồng ghép hoạt động khởi sự kinh doanh vào chương trình hành động của Hội. Trong đó, tập trung hướng dẫn phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hướng đến tiếp sức mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện, hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ.
Trong 9 tháng năm 2022, các cơ sở Hội đã đứng ra nhận ủy thác 220 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên 3.386 tỷ đồng cho 51.010 người vay. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Quỹ quay vòng, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh với tổng số tiền 50 tỷ đồng cho 5.945 hộ vay. Từ nguồn vốn, nhiều chị em đã có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, đã có 225 chị mạnh dạn khởi nghiệp từ nguồn vốn vay.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ tỉnh phối hợp với Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn thành lập, ra mắt 6 hợp tác xã, tổ hợp tác với 65 thành viên; tổ chức tập huấn, giới thiệu và hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP cho 533 cán bộ Hội các cấp; tổ chức 4 lớp nâng cao năng lực giảm nghèo cho 535 cán bộ Hội; tổ chức 715 buổi chuyển giao KHKT cho trên 50.000 người về sản xuất theo hướng hữu cơ, kỹ thuật chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; phối hợp tổ chức "Ngày hội việc làm" giúp phụ nữ và nam giới trong độ tuổi lao động tìm kiếm việc làm phù hợp với trình độ, tay nghề, lứa tuổi, sức khỏe, tạo thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các cấp Hội phối hợp tổ chức 25 lớp dạy nghề cho 765 phụ nữ về kỹ thuật thêu ren, móc sợi, đan cói; giới thiệu việc làm cho 4.626 hội viên, phụ nữ. Thông qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã góp phần động viên chị em phụ nữ hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững. Đồng thời thông qua hoạt động cũng góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Bài, ảnh: Mai Lan