Hỗ trợ ngành lúa gạo tiếp cận vốn vay để khơi luồng lưu thông
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư, chế biến, sản xuất thóc, gạo với thời hạn và lãi suất hợp lý.
Tình hình tắc nghẽn trong tiêu thụ nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang vô cùng căng thẳng dù nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của nhiều bộ, ngành và hiệp hội ngành hàng.
Bên cạnh hạn chế về di chuyển khiến hoạt động thu hái, thu mua, vận chuyển gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải gồng gánh nhiều chi phí phát sinh. Chống chịu với dịch bệnh kéo dài, một số doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính để thu mua nông sản, lúa gạo.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vụ lúa hè thu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long dự kiến khoảng 8,6 triệu tấn. Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn lưu thông dự kiến sẽ còn kéo dài, nguy cơ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người nông dân, đồng thời ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định, sản xuất, xuất khẩu lúa gạo có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Khơi luồng lưu thông lúa gạo là mục tiêu trọng tâm để giải quyết mục tiêu phát triển kinh tế và duy trì an sinh xã hội.
Trong thời gian tới, tình hình được dự kiến vẫn còn diễn biến phức tạp. Doanh nghiệp gặp khó khăn khiến nguồn vốn xoay vòng chậm lại. Ngân hàng Nhà nước dự báo nhu cầu vay vốn để thu mua, tạm trữ lúa gạo của doanh nghiệp sẽ tăng cao.
Do đó, Phó thống đốc đề nghị các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhà sản xuất và kinh doanh lúa gạo, với thời hạn và lãi suất cho vay hợp lý, theo đúng tinh thần chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của Chính phủ.
Cụ thể, các ngân hàng thương mại cần mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo trong vụ hè thu và vụ đông xuân tới đây, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm quy định về trần lãi vay ngắn hạn; giảm chi phí không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay; linh hoạt các hình thức đảm bảo tiền vay và xem xét cho vay không cần tài sản đảm bảo.
Các chi nhánh địa phương của Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ bám sát hoạt động của tổ chức tín dụng trên địa bàn, kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc phát sinh trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các bên liên quan để xử lý khó khăn của các ngân hàng thương mại trong việc cấp tín dụng cho ngành lúa gạo.
Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương để cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin chính sách, sản phẩm tín dụng với doanh nghiệp, thương nhân, giúp doanh nghiệp, thương nhân chủ động tiếp cận với nguồn tín dụng ngân hàng.