Hỗ trợ người châu Phi nhập cư: 'Lá lành đùm lá rách'
Biết hoàn cảnh éo le của những người lao động này, bà con lối xóm sống gần những nhà trọ hoặc biết chuyện đã có sự hỗ trợ theo nhiều cách như để san sẻ một phần khó khăn, gánh nặng cho họ.
Dù công ăn việc làm của những người lao động châu Phi cư trú tại Hà Nội phần lớn còn đang trong tình trạng "nay đây mai đó" không ổn định, nhưng họ vẫn được an ủi phần nào vì vẫn có những người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ và sự quan tâm của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm khiến họ vơi bớt cảm giác lạc lõng nơi đất khách.
Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, phần lớn những người lao động châu Phi tập trung tại khu vực phường Tứ Liên đang sinh hoạt theo từng nhóm từ 4-5 người, cùng thuê ở ghép trong những phòng trọ giường tầng, từ 30-40m2 với mức giá tương đối rẻ chỉ khoảng từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.
So với mức giá thuê trọ trung bình từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng đối với sinh viên các trường đại học tại Hà Nội thì đây là một phần hỗ trợ tương đối cấp thiết mà anh Đ.H.H, chủ cơ sở cho thuê phòng trọ tại phường Tứ Liên (Tây Hồ) đã dành cho những người lao động châu Phi.
Được bảo đảm về nơi chốn để ở, những nhóm người châu Phi tại đây bắt đầu tìm kiếm việc làm để có "cái ăn." Tuy nhiên, do hầu hết đều đến Việt Nam theo dạng visa du lịch nên họ không được cấp giấy phép lao động, không thể được ký hợp đồng lao động dài hạn, dẫn đến nguồn thu nhập bấp bênh, "bữa no bữa đói."
Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, người lao động nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam phải có visa lao động hợp lệ và giấy phép lao động. Cụ thể, người lao động nhập cư phải có hợp đồng lao động rõ ràng với các doanh nghiệp. Trong trường hợp không có hợp đồng, người nhập cư không được phép lao động ở Việt Nam.
Và một lần nữa, những người dân trong khu phố lại "nối vòng tay" để tương trợ...
"Họ hiếm khi mua thịt lắm! Hãn hữu lắm thì chỉ mua khoảng 30.000-40.000 đồng còn lại xin thêm các phần bì, da lợn... về ăn. Trứng cũng chỉ lấy 3 quả, khoảng 10.000 đồng. Khách của tôi đến mua thịt, họ biết hoàn cảnh nên thi thoảng cũng có người trả dôi tiền ra, khoảng vài chục nghìn, để 'bù' thêm thịt cho mấy cậu châu Phi," bác Trịnh Văn Hiến, tiểu thương bán thịt lợn trên phố Tứ Liên vừa kể, đoạn vừa đưa tay với lấy miếng thịt, cắt khoảng 2-3 lạng, nói để phần cho "đội" châu Phi chiều đi làm về. "Vừa bán vừa cho!", bác bán thịt chặc lưỡi.
Cũng theo lời kể của bác Hiến, tháng trước cũng có 2-3 đoàn người đi cùng với tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ phường... mang theo nhu yếu phẩm đến hỗ trợ nhóm người lao động châu Phi.
"Thực phẩm có đủ cả bánh mì, sữa... Ngoài ra, bà con trong khu phố thỉnh thoảng cũng có người cho mớ rau, người thêm cho chục trứng, túi mì tôm...," ông Hiến kể.
Theo nhận xét của người dân phường Tứ Liên, họ cũng cảm thấy vui khi lòng tốt được đặt "đúng nơi đúng chỗ." Những người bạn mới đến từ châu Phi rất niềm nở, không ngại ngần mỗi khi được nhờ giúp một số việc "vặt": từ khuân vác hàng hóa, phụ giúp dọn hàng và đôi khi là cả đổ rác.
"Tất nhiên, mỗi lần 'làm thêm' là họ lại có đồng ra, đồng vào," một chủ trường mầm non tại ngõ 28 phố Tứ Liên nói vui.
"Họ hiếm khi có tiền mặt để mua đồ, thường chụp mã QR để nhờ người chuyển tiền, nhưng cũng chỉ tiêu hết 10.000-30.000 đồng mỗi lần. Thấy họ không có nhiều tiền, lâu lâu tôi lại cho thêm cái bánh, gói mì..." chị Hương, chủ tiệm tạp hóa Hương Lê trên phố Tứ Liên chia sẻ.
Không chỉ nhận được sự giúp đỡ của bà con lối xóm, những người châu Phi ở Tứ Liên còn nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương. Hiện nay, các cơ quan chức năng quận Tây Hồ đã và đang triển khai các phương án quản lý theo quy định đồng thời vận động dân cư trên địa bàn hỗ trợ các điều kiện về đời sống cho những người lao động châu Phi.
Gia đình anh Manfred (Nigeria) bị lừa gần hết số tiền gom góp từ quê hương mang sang Việt Nam hiện đang được chủ nhà cho ở không mất tiền đồng thời hướng dẫn làm các giấy tờ để làm việc với cơ quan quản lý để xử lý tình hình.
Anh cũng cho biết đã được chính quyền địa phương hỗ trợ, “họ không chỉ thu thập thông tin của tôi mà còn xem xét giấy tờ của những người châu Phi khác đang sinh sống gần đây, tôi rất mong tình hình sớm được cải thiện để gia đình mình có thể ổn định cuộc sống và những người khác có thể trở lại quê hương làm lại từ đầu,” Manfred tâm sự.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng đang phối hợp Đại sứ quán các nước châu Phi như Angola, Zambia, Ghana, Jamaica, Uganda và Nigeria, nhằm hỗ trợ những người nhập cư khó khăn có thể sớm quay trở lại quê hương./.