Hỗ trợ người dân kịp thời, không bỏ sót
Việc hỗ trợ người dân từ TP HCM về quê là trách nhiệm của địa phương với công dân nhằm không để ai ở lại phía sau
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1063/CĐ-TTg tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31-7 cho đến khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép). Sau thông báo này, nhiều địa phương đã lên kế hoạch hỗ trợ người dân theo nhiều phương án khác nhau.
Đưa dân về quê bằng nhiều cách
Sáng 1-8, gần 1.000 công dân của 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đang ở TP HCM đã được đưa về quê an toàn.
Bồng con nhỏ bước xuống xe, chị N.T.L (ngụ xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) xúc động nghẹn ngào. Chị đã đi bán vé số ở TP HCM được 5 năm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, L. bị thất nghiệp, tiền nhà không có mà đóng. May mắn, chị đăng ký và được về quê đợt này.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay hiện hơn 12.500 người đã đăng ký về quê. "Phú Yên còn nhiều khó khăn nhưng tôi nghĩ mỗi tỉnh mỗi hoàn cảnh, nếu không đưa người dân về lúc này thì họ cũng sẽ tự tìm mọi cách để về. Điều này rất nguy hiểm cho bà con và gây khó khăn cho địa phương khi tiếp nhận. Nếu đưa về sớm sẽ giảm tải cho TP HCM, đó cũng là cách chia sẻ khó khăn đối với các tỉnh, thành mà dịch diễn biến phức tạp" - ông Thế nói.
Thông tin thêm, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho biết Phú Yên phải tuyệt đối chấp hành chỉ đạo của Chính phủ để công tác phòng chống dịch được thống nhất, hiệu quả. Trong tình hình hiện nay, tỉnh sẽ phối hợp với chính quyền, các Hội đồng hương Phú Yên tại các tỉnh phía Nam và các tổ chức, cá nhân để thực hiện biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm. Tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với TP HCM và các địa phương phía Nam, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, nhằm bảo đảm các điều kiện để có thể đón bà con trở về quê hương an toàn. Hiện Phú Yên đã đón gần 1.200 công dân từ TP HCM về quê.
Sáng cùng ngày, Tỉnh đoàn Khánh Hòa cũng đã đưa 500 sinh viên ở TP HCM về quê. Theo anh Bùi Hoài Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa, sau Công điện 1063 của Thủ tướng, tỉnh này tạm dừng kế hoạch đưa 1.000 sinh viên nữa về quê.
Tại tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong Công điện 1063, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 không được để người dân tự ý rời khỏi địa bàn, trừ những người được chính quyền cho phép. Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phối hợp với UBND TP để đưa người địa phương về theo kế hoạch, bảo đảm an toàn. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP HCM đưa người dân về quê. Từ ngày 21-7 đến nay, tỉnh đã đón khoảng 2.000 người dân về quê miễn phí bằng ôtô, máy bay.
Theo ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh tiếp tục phối hợp với Hội Đồng hương Bình Định tại TP HCM thuê thêm một chuyến bay nữa để đón khoảng 200 công dân, hoàn thành kế hoạch đón 1.000 người về quê. Sau đó, nếu có điều kiện, Bình Định sẽ tiếp tục thực hiện. Đối với các công dân tự ý trở về quê, Bình Định tạm dừng tiếp nhận từ 6 giờ ngày 1-8. Với những người đang trên đường về quê khi Bình Định ra thông báo này, tỉnh vẫn tổ chức đón tại 2 điểm trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1D.
Tại Cần Thơ, ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, cho biết kế hoạch đưa công dân từ TP HCM và Bình Dương về vẫn tiếp tục thực hiện. Trước đó, UBND TP Cần Thơ đã gửi văn bản cho TP HCM và tỉnh Bình Dương để được hỗ trợ đón khoảng 1.000 người trở về.
Không để bà con xa quê thiếu đói
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã thông báo tạm dừng kế hoạch đón công dân về từ TP HCM như: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Đồng Tháp,… Để người dân yên tâm, không thiếu đói khi ở lại TP HCM và các tỉnh khác trong những ngày giãn cách, các địa phương đã lên kế hoạch tiếp tục hỗ trợ bà con.
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ngày 1-8 đã đi kiểm tra Trung tâm Hành chính công - nơi đặt "tổng đài dã chiến" với đường dây nóng 1800 8073, nhằm hỗ trợ người dân tại TP HCM và các tỉnh miền Nam gặp khó khăn trước đại dịch Covid-19. Từ tối 31-7 đến 12 giờ ngày 1-8, Tổng đài 1800 8073 đã tiếp nhận hơn 3.000 cuộc gọi và đã xử lý trên 300 hồ sơ. Với 20 điện thoại viên, việc tiếp nhận và xử lý thông tin được thực hiện 24/24 giờ. Tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con gặp khó khăn tại TP HCM và các tỉnh phía Nam với số tiền 1 triệu đồng/hộ.
Ông Trần Hùng Phong, Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Đà Nẵng tại TP HCM, cho biết rất nhiều người gọi điện đến đăng ký về Đà Nẵng nhưng do chưa có kế hoạch nên hội chưa tiếp nhận. TP Đà Nẵng đang tổng kết về công tác đón người trong đợt 1, sau đó sẽ ban hành kế hoạch đón người đợt 2.
Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh tạm dừng kế hoạch đón công dân từ TP HCM về quê để tiếp tục họp bàn kỹ lưỡng hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho hay từ khi dịch bệnh diễn ra, đã có hơn 50.000 người dân đi các phương tiện cá nhân về Đắk Lắk tránh dịch, gây áp lực rất lớn cho công tác phòng chống dịch của tỉnh. Hiện tỉnh Đắk Lắk có hơn 10.000 người đăng ký được hỗ trợ về quê.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông báo đường dây nóng 1900 1075 và kết nối chặt chẽ với Hội Đồng hương tỉnh để liên lạc và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại các địa phương.
Tỉnh Quảng Trị có khoảng 3.000 công dân có nhu cầu trở về quê. Trước đó, chiều 29-7, tỉnh này đã đưa 384 công dân gặp khó khăn từ TP HCM về quê miễn phí bằng tàu hỏa. Ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị - nhấn mạnh tỉnh nghiên cứu để hỗ trợ với quan điểm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định tạm dừng đón công dân từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 (trừ những người được chính quyền các tỉnh, thành này và Thanh Hóa cho phép). Tỉnh Thanh Hóa cũng quyết định trích 5 tỉ đồng, thông qua Hội Đồng hương Thanh Hóa tại TP HCM, để hỗ trợ các gia đình khó khăn với mức 1 triệu đồng/hộ. Đến ngày 30-7, địa phương này đã tiếp nhận gần 15.000 người về quê tránh dịch.
Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh đã vận động được 15,4 tỉ đồng cùng với hiện vật trị giá khoảng 700 triệu đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Qua đó, tỉnh đã hỗ trợ cho 2.000 người Cà Mau đang ở TP HCM và các tỉnh khác. Cà Mau cũng đã hỗ trợ 12 tấn tôm, 4 tấn cá khô và 2,5 tấn gạo cho bà con xa quê.
Trong khi đó, theo ông Võ Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã chuẩn bị 1.000 phần quà gồm nhu yếu phẩm gửi lên TP HCM cho các hộ dân gặp khó khăn. Tại An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết An Giang đã chuyển khoảng 60 tấn gạo cùng hơn chục tấn rau củ quả từ quê nhà lên TP HCM tặng cho bà con đi làm ăn xa...
Mục tiêu chống dịch là hàng đầu
Những ngày qua, nhiều người dân ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương... ồ ạt về quê để tránh dịch Covid-19 dù các địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hội.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng mục tiêu phòng chống dịch Covid-19 phải được đặt lên hàng đầu. Người dân không nên tự ý trở về quê; nên ở lại và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội của chính quyền các địa phương, góp phần phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
Lực lượng chức năng đã phát hiện một số người mắc Covid-19 trong số những người di chuyển về quê "tránh dịch", có trường hợp trên đường đi lây nhiễm cho nhau. Tình trạng này nếu tiếp diễn sẽ tạo sự lây lan giữa những người cùng đi với nhau và lây lan dịch ra nhiều tỉnh, thành phố.
TP HCM phối hợp các nơi chăm lo cho dân
Tại hội nghị trực tuyến mở rộng để đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM hôm 31-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết một trong các nhiệm vụ trong thời gian tới là hỗ trợ người nghèo, tránh để sót, không được kéo dài và cố gắng tiếp sức kịp thời; sẵn sàng đón nhận hỗ trợ của các địa phương để chăm lo cho người nghèo.
Các địa phương rà soát, thống kê để có biện pháp hỗ trợ, chia sẻ, tạo điều kiện để người dân bám trụ; nếu muốn về quê thì có kế hoạch, lập danh sách cụ thể và giao về địa phương. TP HCM sẵn sàng chăm lo các đối tượng này nhưng người dân cần hợp tác, không đi lại tự do gây nguy cơ lây nhiễm cho các tỉnh.
Được biết, TP HCM sẽ tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/ho-tro-nguoi-dan-kip-thoi-khong-bo-sot-20210801225119434.htm