Hỗ trợ người dân sau thiên tai: Cần chiến lược dài hạn
Tạo việc làm tạm thời và thu nhập thay thế cho người lao động được khuyến khích và là một trong những giải pháp hiệu quả, quan trọng, tuy rằng việc giúp người lao động đảm bảo sinh kế sau thiên tai cần một chiến lược dài hơi.

Tái thiết sản xuất sau thiên tai cần nhiều điều kiện và thời gian. Ảnh: Lê Minh.
Đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng nặng nề
Cơn bão số 3 (tháng 3/2024) qua đã lâu nhưng đến thời điểm này cuộc sống của gia đình chị Cao Thị Huệ (phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa thể khôi phục lại được như cũ. “Tài sản duy nhất của gia đình là căn nhà tập thể cũ được xây dựng từ trước năm 1980 thì đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 4. Cũng may được sự quan tâm của chính quyền địa phương, phường Mai Động, quận Hoàng Mai đã giúp gia đình tôi có một ngôi nhà khang trang, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau cơn bão công việc của tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Không có việc làm tôi phải đi làm tự do, ai thuê gì làm nấy nên cuộc sống vô cùng khó khăn”- chị Huệ chia sẻ.
Thực tế cho thấy, những thiên tai nghiêm trọng trong năm 2024 đã gây ra tác động sâu rộng đến người lao động tại Việt Nam, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương như nông dân, công nhân, lao động phổ thông và ngư dân.
Mất việc làm và giảm thu nhập là ảnh hưởng chính mà những đối tượng này phải gánh chịu. Việc hỗ trợ tài chính, đào tạo nghề và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốt hơn sẽ là yếu tố quan trọng để giúp họ phục hồi và thích ứng với các thách thức trong tương lai.
Đề cập về những ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Nguyễn Thanh Xuân cho biết, thiệt hại của người nông dân Việt Nam nói chung và Hà Nội do lũ lụt, hạn hán trong năm 2024 là rất lớn. Ước tính tổng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão là trên 2.286 tỷ đồng. Đối với trồng trọt, thiệt hại khoảng 1.956 tỷ đồng; đối với chăn nuôi ước thiệt hại 31,8 tỷ đồng; thủy sản ước thiệt hại 298,9 tỷ đồng. “Ở nông thôn, phụ nữ chiếm đa phần nên đây là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khi mà lũ lụt, mưa bão, thiên tai gây ra” - ông Xuân nói.
Tạo việc làm mới cho lao động
Đề cập về giải pháp giúp người lao động, người dân yếu thể vượt qua khó khăn sau thiên tai, bà Lưu Ánh Nguyệt - chuyên gia Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Việt Nam đã và đang huy động đa dạng các nguồn lực tài chính khác nhau. Trong đó, Bảo hiểm rủi ro thiên tai là nguồn lực đang trong quá trình phát triển, có thể xem là phù hợp với loại thiên tai ít khi xảy ra nhưng để lại hậu quả lớn.
Bà Lưu Ánh Nguyệt khuyến nghị, công tác hỗ trợ người lao động nâng cao kiến thức, năng lực nắm bắt thông tin, chủ động tham gia bảo hiểm rủi ro thiên tai, đồng thời, tăng cường tìm hiểu, tận dụng cơ hội phòng ngừa rủi ro thông qua chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp…
Còn theo TS Hoàng Mạnh Hùng, giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp - Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tái thiết sản xuất sau thiên tai không phải việc một sớm một chiều. Do đó, tạo việc làm tạm thời và thu nhập thay thế cho người lao động được khuyến khích và coi là một trong những giải pháp hiệu quả, quan trọng.
TS Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, thiên tai là điều không mong muốn nhưng để thích ứng cần một chiến lược dài hạn. Cần phải có dự báo trước để đưa ra giải pháp khắc phục. Riêng đối với những thiên tai lớn, cần trang bị kỹ năng cho các lao động nông nghiệp. Song, vẫn phải thừa nhận rằng, do năng lực còn hạn chế, nên khi có thiên tai xảy ra, đội ngũ lao động nông nghiệp sẽ có những thiệt hại lớn hơn so với đội ngũ lao động phi nông nghiệp.
Việc đào tạo nghề ngắn hạn cũng là cần thiết để hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, đào tạo phải được làm thường xuyên và phải xem xét ở từng vùng miền và bám vào nhu cầu của thị trường lao động tại khu vực đó. Bản thân chính người lao động cũng phải xác định năng lực và nhu cầu lao động của mỗi người.
Ở góc độ cơ quan tín dụng, ông Đặng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội cho biết, không phải sau thiên tai mới tính đến việc triển khai các gói cho vay, mà ngân hàng đã xây dựng kế hoạch ngắn và dài hạn trước đó. Đối với một số nơi đặc thù, như những địa phương thường xuyên bị lũ lụt, NHCSXH phối hợp đoàn thể địa phương tuyên truyền để bà con có định hướng vay vốn sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên để sử dụng được nguồn vốn hiệu quả đối với các địa bàn dễ xảy mưa bão, ngập lụt, hoặc khu vực gần vùng xả lũ, người dân cần được hướng dẫn sử dụng vốn vay vào những ngành nghề ít bị ảnh hưởng để giảm thiểu rủi ro về thiên tai. Trong trường hợp xảy ra thiên tai, chi nhánh NHCSXH thành phố cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống kê các trường hợp vay vốn bị thiệt hại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.