Hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế khắc phục hậu quả thiên tai
Ngày 18/11, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Acecook Việt Nam tổ chức trao 2.000 thùng mỳ tôm và 340 máy lọc nước cho người dân và trường học, trạm xá là địa điểm sơ tán trong đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn 9 huyện, thị xã của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ ngày 13/11 đến ngày 16/11/2023, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng, kéo dài với lượng mưa phổ biến 600-900mm, có nơi lên đến hơn 1.000mm đã gây nên đợt lũ lớn trên toàn tỉnh, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.
Ngay sau khi nhận được đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với UNICEF và Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hỗ trợ 2.000 thùng mì tôm cho người dân và 340 máy lọc nước cho trường học, trạm xá là địa điểm sơ tán khi thiên tai xảy ra cho 9 huyện, thị xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trước đó, ngày 16/11, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam thực hiện hành động sớm để tăng cường khả năng chống chịu trong mưa lũ cho 731 hộ gia đình tại 7 xã tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Hương Xuân tại Thị xã Huơng Trà; Quảng Phú, Quảng Thái, Quảng An tại huyện Quảng Điền; Phong Sơn, Phong Hòa, Phong Bình tại huyện Phong Điền), mỗi hộ gia đình 1,8 triệu đồng để mua lương thực, nhu yếu phẩm.
Đợt mưa lớn từ ngày 13 đến 16/11 tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm 3 người chết, hơn 17.400 nhà bị ngập. Thời điểm lớn nhất 85% các tuyến đường tại thành phố Huế bị ngập; ngập lụt gây ách tắc tại các tuyến đường Quốc lộ 1A, đường tỉnh lộ và các tuyến đường liên thôn, liên xã.
Liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, ngày 17/11, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký Biên bản thảo luận Dự án “Hợp tác kỹ thuật để quy hoạch phát triển về phục hồi sau lũ lụt và xây dựng quy hoạch tổng thể về phòng chống thiên tai ở miền Trung Việt Nam”.
Mục tiêu cơ bản của Dự án là giảm thiểu rủi ro lũ lụt trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thông qua 3 giai đoạn chính. Giai đoạn 1, lắp đặt các thiên bị quan trắc thủy văn và giám sát thiên tai; giai đoạn 2, đánh giá rủi ro và xây dựng Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp và giai đoạn 3, thúc đẩy cơ chế hợp tác giúp thực hiện hiệu quả các giải phát kiểm soát lũ lụt.
Dự án được dự kiến thực hiện từ năm 2024 tới năm 2027 với đối tác thực hiện chính là Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai. Các kỹ thuật được chuyển giao tại Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cũng như tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, và hoạt động đầu tư sớm trước thiên tai của Chính phủ Việt Nam căn cứ trên Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp được kỳ vọng sẽ góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai cũng như Nghị quyết về phát triển bền vững của Việt Nam.