Hỗ trợ người dân vùng khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế
Ngay khi Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực, khoảng 10% dân số tỉnh Bình Phước bị cắt giảm thẻ bảo hiểm y tế đã tác động rất lớn tới việc thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân, cũng như mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân của tỉnh Bình Phước.
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh có khoảng 100.817 người (tương ứng khoảng 10% dân số) không được tiếp tục hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế khi áp dụng Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết những đối tượng này là người có cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là người dân tộc thiểu số, điều này làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh của người dân. Hiện dân số toàn tỉnh Bình Phước khoảng 1.018.076 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 195.635 người/41 dân tộc thiểu số, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh.
Điều chỉnh việc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế
Tại buổi trao thẻ bảo hiểm y tế tặng các hộ gia đình người dân tộc thiểu số của huyện Bù Đăng (Bình Phước), anh Hoàng Văn Hiến (ở thôn 6, xã Đường 10) xúc động chia sẻ: Hai vợ chồng anh đều không có thu nhập cố định, chỉ đi làm thuê. Trước đây, gia đình anh được Nhà nước phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí dành cho người dân tộc thiểu số sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, hộ gia đình anh Hiến cũng như nhiều người dân trong vùng không thuộc đối tượng được phát thẻ bảo hiểm y tế.
Với nguồn thu nhập bấp bênh, vợ chồng anh và con gái 20 tuổi không có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế, lúc nào các thành viên trong gia đình cũng lo lắng mỗi lần phải đi đến bệnh viện, dù chỉ là bệnh nhẹ. Nay anh thuộc đối tượng được cấp bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định của tỉnh cho nên nỗi lo lắng cũng bớt đi phần nào.
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Phước Lăng Quang Vinh cho biết: Khi Quyết định 861 của Chính phủ ra đời, các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với các xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Vì thế, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế của người dân tại khu vực này cũng bị ảnh hưởng, gần 15% dân số trên địa bàn tỉnh không có thẻ bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội tỉnh đã báo cáo vấn đề này với UBND tỉnh và nhận được sự hỗ trợ từ các ban, ngành, đoàn thể, cho tới các nhà hảo tâm. Để tháo gỡ khó khăn, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16 ngày 9/11/2022 quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn. Theo thống kê, đến hết tháng 10/2022, số người tham gia bảo hiểm y tế là 821.998 người, đạt 89,8% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao thực hiện. Độ bao phủ đến tháng 10/2022 đạt 81,3% dân số, “Tuy chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm, nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành mục tiêu 92% dân số có thẻ bảo hiểm y tế”-Phó Giám đốc Lăng Quang Vinh khẳng định.
Góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước Lê Thị Thanh Loan cho biết: Thời gian qua, cùng với tập trung tuyên truyền các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm trong chi tiêu để mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là bảo hiểm y tế hộ gia đình để chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Từ năm 2020, Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã ban hành kế hoạch thành lập mô hình điểm “Chi/tổ phụ nữ thực hành tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế-vì sức khỏe phụ nữ”, từ đó nhân rộng trong những năm tiếp theo.
Từ 13 mô hình điểm được thành lập từ năm 2020 đến nay, các cấp hội đã thành lập được 18 mô hình, với sự tham gia của hơn 1.000 thành viên, hỗ trợ 1.354 thẻ bảo hiểm y tế, trị giá 1,089 tỷ đồng cho hội viên, phụ nữ khó khăn. Qua hơn ba năm, mô hình đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho gia đình hội viên phụ nữ khi ốm đau, bệnh tật, giúp chị em vượt qua khó khăn và góp phần tăng cường, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Hơn nữa, mô hình còn làm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của hội viên, phụ nữ về việc thực hành tiết kiệm mua bảo hiểm y tế, nâng cao ý thức và chủ động đi khám, chữa bệnh vì sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình cùng hướng tới mục tiêu tham gia bảo hiểm y tế toàn dân. Thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các chương trình từ thiện, vì an sinh xã hội, các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh đã tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ, từ năm 2018 đến nay đã tặng hơn 2.000 thẻ bảo hiểm y tế trị giá 1,609 tỷ đồng cho phụ nữ và trẻ em khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới...
Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Phước Lăng Quang Vinh cho biết, từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể để triển khai tốt hơn chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã rà soát cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân bị cắt giảm thẻ theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh được thông qua tại kỳ họp thứ bảy ngày 9/11/2022, dự kiến gần 77.000 người được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế, góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2022 đạt hơn 92% dân số.
Ngành bảo hiểm tỉnh tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.