Hỗ trợ người dân vùng khó khăn phát triển kinh tế

Những năm qua, nhờ có nguồn vốn từ chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều hộ gia đình hiện đang sống tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.

 Nhờ tiếp cận được với chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, kinh tế gia đình chị Thanh đã khấm khá hơn trước - Ảnh: T.P

Nhờ tiếp cận được với chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, kinh tế gia đình chị Thanh đã khấm khá hơn trước - Ảnh: T.P

Suốt 15 năm qua, chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp sức, giúp đỡ cho nhiều hộ gia đình không thuộc diện hộ nghèo thực hiện các hoạt động SXKD ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết: Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng dư nợ chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn trên toàn tỉnh hơn 530 tỉ đồng, với 12.540 khách hàng còn dư nợ. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi đối với hộ SXKD tại vùng khó khăn, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tranh thủ các nguồn vốn từ trung ương, địa phương để đáp ứng đầy đủ, đảm bảo cho các đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được vay vốn SXKD, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Theo sự chỉ dẫn của cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1991) hiện sống tại thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, một trong những người sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn. Được biết, tuy không thuộc diện hộ nghèo nhưng trước đây, hoàn cảnh của gia đình chị Thanh tương đối khó khăn bởi vợ chồng mới ra ở riêng, bản thân chị Thanh lại không có việc làm. Cũng vì không thuộc diện hộ nghèo nên chị không thể vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế cho gia đình. Năm 2017, biết được thông tin chương trình cho vay SXKD không bắt buộc phải thuộc diện hộ nghèo, chị Thanh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa để mở rộng việc làm ăn của mình.

Từ nguồn vốn vay này, vợ chồng chị vay mượn thêm của người thân, bạn bè đầu tư xây dựng chuồng trại và nhập hươu giống từ Hà Tĩnh về nuôi. Nhờ biết cách tận dụng lợi thế của địa phương, mô hình nuôi hươu lấy nhung của gia đình chị ngày càng phát triển; không những thế chị còn mở rộng mô hình nuôi trồng đa cây, đa con. Đến nay, gia đình chị có khoảng 20 con hươu, 15 con bò, 10 con dê, 10 con lợn, 2 ha cà phê, chanh leo… đem lại nguồn thu mỗi năm từ 300 - 400 triệu đồng.

Chị Thanh cho biết: “Những năm qua, nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn, vợ chồng tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Tuy nhiên theo tôi mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/hộ là tương đối thấp, mong rằng Chính phủ có thể xem xét để nâng mức cho vay vốn lên, giúp gia đình tôi và những người dân trong vùng có điều kiện phát triển kinh tế tốt hơn, từ đó giảm nghèo bền vững hơn”.

Cũng như chị Thanh, trước đây hoàn cảnh gia đình ông Trần Văn An (sinh năm 1974) hiện đang sống tại thôn Phùng Lâm, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa khá khó khăn nhưng lại không được hỗ trợ vay vốn ưu đãi vì không thuộc diện hộ nghèo. Sau này nhờ được tiếp cận với chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/ QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 0,5 ha cà phê sang trồng chanh dây, đầu tư chăn nuôi thêm 200 con gà, vịt các loại. Sau 5 năm chăm chỉ làm lụng, tích lũy, đến nay đời sống của gia đình ông dần khấm khá hơn.

Trung bình mỗi năm, mô hình kinh tế của gia đình ông mang lại khoản thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Theo ông An, cho vay SXKD vùng khó khăn là một chương trình rất ý nghĩa dành cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo như ông. “Mức lãi suất của chương trình là 9%/năm như hiện tại vẫn khá cao so với chúng tôi. Nếu được hỗ trợ thêm về vốn nhưng lại giảm lãi suất cho vay nữa thì quá tốt ”, ông An nói.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa Nguyễn Xuân Ánh, tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Hướng Hóa là 475,446 tỉ đồng với 12.731 khách hàng. Trong đó, riêng chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ có số dư nợ là 178 tỉ đồng với 4.268 khách hàng thuộc 21 xã trong huyện. Để nguồn vốn kịp thời đến với người dân, đơn vị luôn chủ động rà soát nhu cầu vay vốn để tham mưu, đề xuất với ban đại diện cấp huyện, Ngân hàng CSXH tỉnh cấp bổ sung vốn theo nhu cầu thực tế của người dân.

“Điểm khác của chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn so với các chương trình tín dụng chính sách mà Ngân hàng CSXH đang triển khai là đối tượng vay vốn được mở rộng. Các hộ gia đình không thuộc hộ nghèo thực hiện các hoạt động SXKD ở vùng khó khăn trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm đều được vay vốn. Điều này mở ra cơ hội, tạo động lực giúp nhiều hộ gia đình mạnh dạn vay vốn SXKD, đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”, ông Ánh chia sẻ.

Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Đồng cho biết thêm: “Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả của nguồn vốn, chúng tôi sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ trung ương, địa phương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, cũng như phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền; triển khai các hoạt động cho vay và thu hồi nợ, lãi đúng quy định...”.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159653&title=ho-tro-nguoi-dan-vung-kho-khan-phat-trien-kinh-te