Hỗ trợ người lao động có nhà ở là nhiệm vụ trọng tâm của Công đoàn

Chủ tịch UBND TP Hà Nội lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của công nhân, người lao động (CNLĐ) về các vấn đề: nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; bảo hiểm xã hội; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề; trật tự, an ninh, an toàn xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh gặp gỡ, trao đổi với công nhân lao động, cán bộ công đoàn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh gặp gỡ, trao đổi với công nhân lao động, cán bộ công đoàn.

Sáng 23/5, tại Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ Thủ đô năm 2024.

Khởi công các khu nhà ở xã hội từ nay đến năm 2025

Mở đầu phần đối thoại, anh Nguyễn Văn Nam (Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á, LĐLĐ huyện Gia Lâm) nêu kiến nghị, sau dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm không còn dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều Khu công nghiệp có nhiều công nhân, vợ chồng trẻ, phải đi thuê nhà trọ, đề nghị TP xem xét có thêm các dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội.

Anh Nguyễn Thịnh (Công ty Cổ phần kết cấu thép Bình Phú) đề nghị, TP sớm ban hành thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội, như việc giao đất, quyền lợi ưu đãi chủ đầu tư, xác định đúng đối tượng được mua.

Công nhân, người lao động đặt câu hỏi đối thoại với lãnh đạo TP Hà Nội.

Công nhân, người lao động đặt câu hỏi đối thoại với lãnh đạo TP Hà Nội.

Anh Phan Chí Thành (Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội) nêu đề nghị TP ban hành các cơ chế, chính sách giải quyết vướng mắc xoay quanh câu chuyện thủ tục đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho CNLĐ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (giáo viên trường THCS Cổ Đông) nêu, hiện nay LĐLĐ TP đã có quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo, phát triển kinh tế gia đình, tuy nhiên nguồn vốn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đoàn viên, người lao động. Đề nghị UBND TP chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội TP triển khai các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đối với CNLĐ trên địa bàn để vay mua nhà, xây sửa nhà ở. Ngoài ra CNLĐ có thể tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi nào từ TP, thủ tục cho vay vốn có điều kiện và có được linh hoạt về thời gian không. Đồng thơi, đề nghị UBND TP tạo điều kiện và hướng dẫn để các đơn vị triển khai đến người lao động.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong giải đáp các kiến nghị của người lao động.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong giải đáp các kiến nghị của người lao động.

Giải đáp kiến nghị của CNLĐ về vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện có một số khó khăn, vướng mắc như: việc lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu mất nhiều thời gian; quy định về thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa rõ ràng…

UBND TP đã kiến nghị và được Bộ Xây dựng tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, đất đai nhằm đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, TP tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua trong năm 2024.

Đối với việc xác định đúng đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, công tác xét duyệt thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án và hiện chủ đầu tư đã cam kết thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. UBND TP đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, UBND cấp quận, huyện, thị xã nơi có dự án thực hiện kiểm tra, nhằm loại trừ việc người được mua, thuê nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần, không đúng đối tượng, không đủ điều kiện được hưởng chính sách; thực hiện đăng tải công khai thông tin các dự án, danh sách các đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội lưu ý thêm, đối với công nhân các Khu công nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội; thời gian vay và trả tiền sẽ thực hiện theo quy định của ngân hàng. "Như vậy, có thể đảm bảo đúng đối tượng. Còn thời gian trả tiền vay, tiền lãi cũng sẽ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội"- Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi, thông tin thêm với người lao động về vấn đề nhà ở.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi, thông tin thêm với người lao động về vấn đề nhà ở.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, nhà ở là vấn đề quan trọng đối với mỗi người lao động nói chung và CNLĐ tại các Khu công nghiệp nói riêng, bởi “an cư mới lạc nghiệp”. CNLĐ có sự đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của TP.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, TP đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở cho CNLĐ. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội triển khai việc này còn chậm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong bối cảnh mọi thủ tục, quy trình như thủ tục đầu tư, thủ tục thuê mua nhà đều được các cơ quan, ban, ngành triển khai rất thận trọng, nên việc triển khai nhà ở xã hội còn chậm. Chủ tịch UBND TP chỉ rõ, nhu cầu của CNLĐ về mua, thuê nhà ở xã hội còn cách xa so với cung ứng của TP. Đề nghị Sở Xây dựng cùng với sở, ban, ngành khác phải xử lý công việc với tinh thần nhanh nhất, quyết liệt để có quỹ nhà cung ứng cho CNLĐ.

“Trong năm 2024 và thời gian còn lại của nhiệm kỳ phải khởi công được các khu nhà ở xã hội theo đúng quy hoạch. Các sở, ban, ngành phải xác định đây là món nợ với người lao động với CNLĐ trên địa bàn TP. Ngoài chính sách của Trung ương, tới đây khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, chúng ta có thêm quyền nhất định để ban hành một số cơ chế đặc thù về hỗ trợ cho phúc lợi xã hội nói chung, trong đó có chính sách hỗ trợ để người lao động có thể thuê, mua nhà ở xã hội” - Chủ tịch UBND TP yêu cầu.

Bên cạnh các chế độ chính sách của T.Ư, TP, Chủ tịch UBND TP đề nghị LĐLĐ TP đồng hành cùng TP để giúp người lao động được tiếp cận nhà ở xã hội, bởi một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn là phải làm sao để người lao động khi tham gia vào tổ chức Công đoàn cảm thấy được chăm lo, bảo vệ, được quan tâm với những hoạt động thiết thực.

Khẩn trương bố trí đèn giao thông trong khu công nghiệp

Liên quan đến vấn đề hạ tầng giao thông, trật tự an ninh, an toàn xã hội, anh Phan Thanh Hải (Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam) nêu kiến nghị, trước đây có 3 lối vào Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, tuy nhiên hiện 2 lối vào đã bị khóa, khiến giao thông dồn về trục đường chính. Cùng với đó là hiện đường ngập lụt, khiến giao thông khó khăn. Đề nghị TP có sự hỗ trợ để tránh ảnh hưởng đến người lao động, giúp người lao động tham gia giao thông được an toàn. "Ở năm trước, khi đối thoại, chúng tôi cũng đề xuất trang bị thêm đèn tín hiệu giao thông, nhưng không được triển khai, đề nghị TP quan tâm"-anh Phan Thanh Hải nêu.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam nêu kiến nghị.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam nêu kiến nghị.

Chị Bùi Thị Hồng (Vận hành Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) cho biết, hiện Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai có hạ tầng giao thông với lối ra Đại lộ Thăng Long nhưng lối này bị chặn lại, hơn 10.000 người chỉ có thể vào qua đường 419, gây áp lực giao thông lớn. "Chúng tôi mong TP hỗ trợ, mở lối vào ở Đại lộ Thăng Long để giảm bớt áp lực giao thông"- chị Bùi Thị Hồng đề xuất.

Trả lời những kiến nghị trên của CNLĐ, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho biết, liên quan đến cổng ở Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, hiện có 2 cổng Ban Quản lý yêu cầu đổ bê tông là do thường xuyên có tình trạng không ai quản lý, rác thải, đất cát thường xuyên bị đổ trộm. Ban Quản lý cho đóng cổng tiếp giáp Đại lộ Thăng long để đảm bảo an ninh trật tự. Hiện Ban quản lý đang phối hợp với huyện Quốc Oai, yêu cầu đơn vị vận hành tiếp nhận. Sau khi có đơn vị vận hành, sẽ mở lối giao thông đã bịt.

"Về việc đèn giao thông trong khu vực thiếu và không đảm bảo an toàn giao thông, đề nghị cán bộ Công đoàn cung cấp thêm thông tin, chúng tôi sẽ cho xử lý"- ông Lê Quang Long cho biết.

Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long trả lời kiến nghị.

Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long trả lời kiến nghị.

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cho biết, việc đường giao thông bị bịt khiến thời gian qua việc đi lại của CNLĐ bị ảnh hưởng, huyện đang phối hợp với đơn vị hạ tầng tiếp quản. Sau khi có đơn vị hạ tầng tiếp quản, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nạo vét hệ thống thoát nước sẽ thuận lợi.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội cân nhắc phương án chỉ chặn xe ô tô, còn lại hỗ trợ tối đa cho CNLĐ ra vào và đến nơi làm việc. Đặc biệt, các đơn vị phải phối hợp với nhau để giải quyết tồn tại. Với tình trạng cần bố trí đền giao thông phải khẩn trương làm ngay việc khảo sát và có phương án xử lý.

Bảo hiểm xã hội là bệ đỡ an sinh cho công nhân

Tại cuộc đối thoại, các CNLĐ cũng nêu kiến nghị, hiện nay, tình trạng người lao động xin rút để hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân người lao động, gia đình và chính sách an sinh xã hội. CNLĐ mong lãnh đạo TP cho biết những chỉ đạo của TP nhằm giảm thiểu tình trạng người lao động xin rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng như hiện nay.

Trong đó, anh Đặng Vũ Long (Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam) kiến nghị, cơ quan Bảo hiểm xã hội xúc tiến để đồng bộ dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch LĐLD TP Phạm Quang Thanh chủ trì hội nghị đối thoại.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch LĐLD TP Phạm Quang Thanh chủ trì hội nghị đối thoại.

Trực tiếp giải đáp kiến nghị, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, ngoài việc tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực bảo hiểm xã hội trên môi trường điện tử, Bảo hiểm xã hội TP sẽ tổ chức đấu thầu để chọn ra đơn vị thực hiện chuyển phát trong việc tiếp nhận, trả kết quả nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và có chi phí thấp nhất.

Liên quan đến vấn đề người lao động phản ánh tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho hay, khi người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội. Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội, người rút bảo hiểm xã hội một lần không nhiều như các tỉnh phía Nam nhưng có xu hướng tăng lên. UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội, giúp người lao động ổn định cuộc sống khi về già.

Công nhân, người lao động đặt câu hỏi đến lãnh đạo TP Hà Nội.

Công nhân, người lao động đặt câu hỏi đến lãnh đạo TP Hà Nội.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cũng cho biết, TP đã hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025. Cụ thể, hỗ trợ thêm 30% mức đóng đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng đối với các đối tượng khác. “Qua hội nghị này, cơ quan Bảo hiểm xã hội mong muốn CNLĐ khắc phục khó khăn về tài chính, không nên rút bảo hiểm xã hội một lần để vẫn đứng trong bệ đỡ an sinh xã hội” - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP bày tỏ.

Chia sẻ thêm với CNLĐ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dành nhiều thời gian nói về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, hiện nay có nhiều nhóm người phải làm việc đến cuối đời mà không có lương hưu, không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng rút ra và dừng lại. Đó là thiệt thòi, và không nên để xảy ra tình trạng đó.

“Những người rút bảo hiểm xã hội một lần có thể giải quyết được khó khăn trước mắt nhưng trong trường hợp không may, khi về già họ lại không có lương hưu, tự mình rời bỏ an sinh xã hội, ý nghĩa tốt đẹp của bảo hiểm xã hội” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi tại hội nghị đối thoại với công nhân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao đổi tại hội nghị đối thoại với công nhân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ, thời gian qua, Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cũng sẽ có những điều chỉnh để Luật chặt chẽ hơn, tối ưu nhất chính sách cho người lao động. Thời gian tới các cơ quan cũng cần tăng cường truyền thông để người lao động hiểu rõ, có thêm nhận thức về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.

Tạo lợi thế cạnh tranh lao động với các tỉnh, thành

Chị Nguyễn Thị Mai Linh (Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O) nêu vấn đề về thời gian qua, TP Hà Nội đã tạo môi trường tốt, thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào Thủ đô, qua đó đã giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Đồng thời, mong muốn được biết những giải pháp của TP để thu hút lượng lớn CNLĐ đến làm việc tại Khu công nghiệp trên địa bàn, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lao động với các tỉnh, thành phố khác.

Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, hiện nay, Hà Nội có trên 300 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm đào tạo nghề cho trên 200 nghìn người lao động. Hà Nội tổ chức các hoạt động kết nối giữa hoạt động giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động Thủ đô. Vừa qua, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động Thủ đô thu hút 10 nghìn người tham dự.

Tại ngày hội đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm, nhiều người lao động đã ký kết hợp đồng lao động tại phiên giao dịch. Mỗi năm, Sở cũng tổ chức khoảng 260 phiên giao dịch việc làm, tất cả các phiên đều kết nối online đến tất cả các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn TP. "Sở LĐTB&XH Hà Nội hình thành kênh thông tin điện tử “Người tìm việc, việc tìm người” trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Doanh nghiệp có thể đăng nhu cầu cần tuyển dụng, vị trí làm việc, người lao động có thể đăng nhu cầu tìm việc của mình, bằng cấp, nguyện vọng, mức lương, qua đó Trung tâm sẽ kết nối các bên với nhau. Ngoài ra, mỗi năm, Sở LĐTB&XH Hà Nội còn tổ chức 5 - 6 phiên giao dịch việc làm liên tỉnh, giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc cũng như khu vực Đồng bằng sông Hồng"- Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành của TP cũng thông tin tới CNLĐ về việc Hà Nội đã tổ chức các hội nghị, đối thoại với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước… nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong khoản 1, Điều 27 dự Thảo Luật Thủ đô dự kiến sắp tới sẽ được thông qua dành một nội dung rất quan trọng về vấn đề nhà ở xã hội cho CNLĐ. Theo đó, ngoài chính sách Trung ương, sẽ có những chính sách cởi mở hơn, triển khai nhanh hơn, đây là điều tốt để thu hút lực lượng lao động ở các địa phương khác về làm việc tại Hà Nội...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận hội nghị.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá những ý kiến nêu ra tại hội nghị đối thoại rất sát với thực tế đời sống; chính quyền lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ. Từ đó, những trao đổi dựa trên tinh thần cùng hiểu, cùng chia sẻ, cùng giải quyết, thảo gỡ hướng đến chung sức, chung lòng vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô.

Trước những kiến nghị của CNLĐ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao các sở, ban, ngành tiếp tục tháo gỡ; cái gì làm ngay phải xác định được thời gian, cái gì cần nghiên cứu phải có lộ trình, rõ qua điểm, cách làm.

“Giải quyết vướng mắc của CNLĐ phải nhìn thấy kết quả, đong đếm, nhìn thấy được và phải có chuyển biến” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vấn đề nổi cộm, căn cốt nhất trong những vấn đề đã nêu là nhà ở xã hội cho công nhân. Đây cũng là nội dung cả hệ thống chính trị của TP đang vào cuộc, phấn đấu năm 2024 sẽ có những dự án khởi công và hoàn thành được, từ đó tạo ra quỹ nhà cho CNLĐ. Bên cạnh đó, sẽ chú trọng hơn tới quá trình tiếp cận, hồ sơ, thủ tục quy trình thực hiện; có chính sách hỗ trợ để đến đúng đối tượng người được hưởng.

Đồng thời, các cấp, ngành của TP tiếp tục quan tâm đến một loạt thiết chế khác như thiết chế văn hóa để CNLĐ ổn định cuộc sống; LĐLĐ TP tiếp tục làm tốt công tác khảo sát, sâu sát với CNĐL để đề xuất các vấn đề cần giải quyết.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng quà cho công nhân, người lao động.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng quà cho công nhân, người lao động.

Liên quan đến chính sách an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của người lao động về tiền lương, tiền công để có những quyết sách trình HĐND cho phù hợp với lộ trình phát triển Thủ đô hiện nay và thời gian tới…

Với tinh thần lắng nghe thấu đáo tại hội nghị đối thoại lần này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của của CNLĐ và sẽ cùng với LĐLĐ TP triển khai các công việc liên quan bằng trách nhiệm cao nhất, nhanh nhất.

Trong dịp này, UBND TP đã trao 50 suất quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt và quà trị giá 350 ngàn đồng.

Phạm Hùng - Thủy Tiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ho-tro-nguoi-lao-dong-co-nha-o-la-nhiem-vu-trong-tam-cua-cong-doan.html