Hỗ trợ người lao động nâng cao trình độ kỹ năng nghề
Tại dự thảo Luật Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Điều kiện hỗ trợ
Dự thảo nêu rõ điều kiện hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề như sau:
1- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
2- Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định đang đóng bảo hiểm thất nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề khi có đủ các điều kiện sau :
a- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương theo quy định của pháp luật trừ một trong các trường hợp sau: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức; người lao động hưởng lương hưu; người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.
b- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
c- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, người lao động không thuộc một trong các trường hợp sau: có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; chết; bị tòa tuyên án mất tích hoặc đã chết.
Thời gian, kinh phí hỗ trợ
Theo dự thảo, thời gian hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo thời gian học thực tế nhưng không quá 06 tháng.
Kinh phí hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ học phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; hỗ trợ tiền ăn cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Phương thức hỗ trợ
Theo dự thảo, kinh phí hỗ trợ học phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề được chi trả thông qua cơ sở đào tạo; kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho người lao động được chi trả trực tiếp cho người lao động.
Chính phủ quy định cụ thể mức và phương thức hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Trình tự, thủ tục hỗ trợ
Theo dự thảo, người lao động gửi hồ sơ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề đến trung tâm dịch vụ việc làm khi có nhu cầu. Người lao động đáp ứng điều kiện theo quy định được hỗ trợ 01 lần để học 01 nghề.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ, trung tâm dịch vụ việc làm trình cơ quan chuyên môn về việc làm thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo quyết định hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề của cơ quan chuyên môn về việc làm thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. (*)
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách do cơ sở quy định tại (*) cung cấp, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả kinh phí hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Trình tự, thủ tục chi trả kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định.
Theo dự thảo, người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
1- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
2- Người lao động quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.
3- Người làm việc theo hợp đồng làm việc.
4- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.