Hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn

Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giảm nghèo nhanh, bền vững, thời gian qua ngành LĐ-TB&XH, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) các cấp đã tích cực bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các ngành liên quan triển khai chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Công ty thương mại Kyung Seung (thị xã Phú Thọ) thường xuyên đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động trong dịch bệnh COVID-19

(baophutho.vn) - Nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giảm nghèo nhanh, bền vững, thời gian qua ngành LĐ-TB&XH, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) các cấp đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các ngành liên quan triển khai chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Từ các nguồn vốn tín dụng chính sách và nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; đặc biệt giúp cho người lao động, sinh viên ra trường khởi nghiệp, tạo việc làm; người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cải thiện kinh tế cho bản thân, gia đình.

Năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều lao động bị mất việc làm và khó có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Tại thị xã Phú Thọ có 246 lao động trong các doanh nghiệp phải ngừng việc do đơn vị không xuất khẩu được hàng hóa, không có doanh thu… Để hỗ trợ người lao động trong tìm kiếm việc làm, UBND thị xã đã chỉ đạo các phòng chức năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ lao động trở về địa phương và lao động của địa phương bị mất việc làm chuyển đổi nghề hoặc giới thiệu việc làm mới. Qua khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Phú Hà, các doanh nghiệp lớn luôn có nhu cầu tuyển dụng lao động để phát triển và ổn định sản xuất đã tạo điều kiện cho người lao động được làm việc ngay tại địa phương, hạn chế việc di chuyển ra ngoài tỉnh. Qua đó, đã giải quyết việc làm cho 1.400 lao động, trong đó có 609 lao động có việc làm mới, 373 lao động chuyển đổi việc làm, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức dưới 1%, (trong đó có 645 lao động của địa phương).

Gia đình chị Đinh Thị Nguyệt ở khu Đồn, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để chăn nuôi bò sinh sản.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, tính đến hết năm 2021, NHCSXH đã giải ngân 26.542 triệu đồng vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, giải quyết cho 3.413 dự án. Từ nguồn vốn này đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 4.000 lao động. Không chỉ giải quyết việc làm trong nước, việc đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Ngành LĐ-TBXH các cấp phối hợp với NHCSXH, các cơ quan có liên quan, chính quyền trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của NHCSXH tại địa phương. Đây là một trong số các chương trình tín dụng chính sách kết hợp với nguồn vốn tại địa phương, nhất là nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách các cấp đã có tác động lớn đến vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nhất là khu vực nông thôn.

Không chỉ giải quyết việc làm trong nước, việc đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài góp phần tích cực cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận người lao động, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình tín dụng cho vay xuất khẩu lao động, đến hết năm 2021 đạt gần 73 tỉ đồng với gần 1.000 người được vay. Nguồn kiều hối lao động gửi về đã tiếp tục tái sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định và nâng cao đời sống.

Thời gian tới, nhu cầu về vốn vay của người dân dự báo tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, vì thế, các ngành chức năng cần xem xét, phân bổ nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo từng năm, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của hộ vay, người lao động, chủ cơ sở và doanh nghiệp. Có như vậy mới vực dậy thị trường lao động nhằm khôi phục nền kinh tế sụt giảm sau đại dịch.

Anh Tú

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202203/ho-tro-nguoi-lao-dong-vuot-qua-kho-khan-183488