Hỗ trợ nông dân chống hạn cứu mía

Được sự khuyến khích của Công ty KCP, nhiều hộ dân đã đầu tư máy bơm tưới mía trong vụ mía mới. Ảnh: NGÔ XUÂN

Tình hình khô hạn kéo dài, cộng với thị trường đường bấp bênh khiến hoạt động của ngành Mía đường gặp nhiều khó khăn. Trong vụ mía mới, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Công ty KCP) đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp nông dân chủ động bơm tưới chống hạn nhằm giữ được vùng nguyên liệu sản xuất.

Nắng hạn, năng suất mía giảm

Theo Công ty KCP, trong vụ ép 2019-2020, do thời tiết khô hạn kéo dài, năng suất mía bình quân ở vùng nguyên liệu mía của KCP chỉ đạt gần 31,7 tấn/ha khiến cả nhà máy và người trồng mía gặp không ít khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Ngộ ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), cho biết: Gia đình tôi trồng gần 3ha mía, chủ yếu nhờ vào nước trời. Những năm trước, nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất bình quân đạt trên 70 tấn/ha, cho thu nhập đáng kể. Riêng hai năm nay, khô hạn kéo dài nên năng suất chỉ đạt khoảng 25 tấn/ha; nhiều hộ lân cận thậm chí mất trắng. Đời sống của người trồng mía gần đây thật sự rất khó khăn.

Đối với Công ty KCP, trong vụ ép 2019-2020, sản lượng mía rất thấp nên nhà máy chỉ chạy được 50-60% công suất thiết kế và kết thúc vụ ép trong vòng 80 ngày; sản xuất được trên 43.020 tấn đường tinh luyện. Năng suất mía thấp, thiếu nguyên liệu nên nhà máy phải mua thêm một lượng lớn đường thô để tinh luyện, sản xuất thêm 25.000 tấn đường. Thế nhưng, việc tiêu thụ cũng rất khó khăn, nhất là khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN có hiệu lực từ 1/1/2020. Đến nay, nhà máy mới chỉ bán được khoảng 30% tổng lượng đường sản xuất.

Ông K.V.R.S.Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty KCP cho biết: “Thông thường, khi các loại cây trồng bị thiệt hại, mất mùa do thiên tai, nông dân sẽ được nhận hỗ trợ của Nhà nước; nhưng riêng với cây mía thì người dân không được hưởng chính sách này nên họ rất thiệt thòi. Do vậy, chúng tôi kiến nghị cần đưa cây mía vào diện hỗ trợ để san sẻ bớt khó khăn cho nông dân cũng như các nhà máy đường.

Nhiều chính sách hỗ trợ bơm tưới

Trước những bất lợi của thời tiết, nhiều nông dân đang có xu hướng bán rẫy hoặc phá bỏ cây mía để chuyển đổi sang cây trồng khác, dẫn tới nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu sản xuất. Do vậy, bước sang vụ ép 2020-2021, Công ty KCP đã triển khai thêm nhiều chính sách mới hỗ trợ người nông dân tăng năng suất, chất lượng cây mía. Trong đó, nhà máy đặc biệt khuyến khích người trồng mía đầu tư khoan giếng, múc hồ, bơm tưới mía chống hạn. Nhiều nông dân cũng bắt đầu ý thức hơn trong việc đầu tư cho loại cây trồng này.

Theo Công ty KCP, chính sách đầu tư cho nông dân mua trang thiết bị chống hạn đã được công ty triển khai từ nhiều năm nay nhưng người dân không mấy mặn mà. Gần đây, tình hình nắng hạn cực đoan, sản lượng mía rất thấp, nên nhiều nông dân có nhu cầu vay vốn đầu tư hệ thống bơm tưới mía. Về phía KCP, công ty luôn khuyến khích người nông dân tận dụng các chính sách của đơn vị để đầu tư chăm sóc nhằm nâng cao năng suất mía.

Ông Hồ Văn Tý ở xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), cho biết: Hai năm nay, thời tiết khô hạn, năng suất thấp nên người trồng mía thua lỗ triền miên. Năm nay, được Công ty KCP cho vay vốn nên tôi đầu tư khoan giếng sâu hơn 40m, ngày đêm bơm nước tưới mía. Có nước tưới thường xuyên nên ruộng mía nhà tôi đang phát triển tốt. Hiện nay, nhiều hộ trồng mía lân cận cũng đang đầu tư giếng khoan để chủ động tưới tiêu, chăm sóc mía với hy vọng năm nay năng suất sẽ được cải thiện hơn.

Theo ông K.V.R.S.Subbaiah, trong vụ mía mới, đơn vị có nhiều chính sách khuyến khích bà con đầu tư vào cây mía như hỗ trợ 3,5 triệu đồng và 5 tấn bã bùn trộn/ha đối với các hộ trồng hàng thông thường. Những hộ trồng cách hàng 1,2m và trồng bằng phương pháp múc hố sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng và 10 tấn bã bùn trộn/ha. Công ty cũng hỗ trợ thêm 50.000 đồng/tấn khi khoan giếng mới và sử dụng máy bơm bằng năng lượng mặt trời; hỗ trợ 10.000 đồng/tấn khi đầu tư péc phun và tưới nhỏ giọt…; đồng thời khuyến khích nông dân vay vốn từ công ty để mua máy bơm, múc hồ, khoan giếng tưới mía với lãi suất 0%. Ngoài ra, cứ mỗi hecta mía trồng mới, công ty hỗ trợ người dân từ 3,5-5 triệu đồng công làm đất và thưởng 50.000 đồng/tấn mía đối với những diện tích mía có năng suất đạt 70 tấn/ha…

Sau 3 vụ mía khó khăn vì khô hạn, hiện rất nhiều hộ dân đã quan tâm hơn đến việc đầu tư bơm tưới mía. Trong niên vụ 2020-2021, tổng diện tích mía trong vùng nguyên liệu của KCP thuộc địa bàn huyện Sơn Hòa đạt gần 12.000ha. Trong đó có hơn 600 hộ dân nhận đầu tư của KCP để đầu tư bơm tưới mía; tổng diện tích có tưới đạt khoảng 1.300ha.

Ông Alê Y Bớ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/242504/ho-tro-nong-dan-chong-han-cuu-mia.html