Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những yếu tố then chốt giúp người nông dân tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản và gia tăng lợi nhuận. Với vai trò là cầu nối để người nông dân tiếp cận với công nghệ hiện đại, hướng tới chuyển đổi số trong nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nông dân kết nối với các sàn giao dịch thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm, từ đó nhằm trang bị cho nông dân những kiến thức cần thiết về chuyển đổi số để họ tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy. Ông Bùi Xuân Sử, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên cho biết: Tham gia lớp tập huấn về chuyển đổi số, hội viên nông dân được nghe về lợi ích khi thực hiện chuyển đổi số; cách tạo tài khoản mua, bán hàng; quy trình xử lý đơn hàng, thanh toán, xử lý khiếu nại... Qua đó, chúng tôi nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản để đưa thông tin sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, lên các trang mạng xã hội zalo, facebook để bán hàng. Vận dụng chuyển đổi số giúp nông dân tiếp cận với phương thức kinh doanh mới, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập.

Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Liên ở xã Ngọc Thanh (Kim Động) xây dựng nhà màng, sử dụng tưới nước, bón phân tự động, bán tự động trong bồn hoa công nghệ cao

Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Liên ở xã Ngọc Thanh (Kim Động) xây dựng nhà màng, sử dụng tưới nước, bón phân tự động, bán tự động trong bồn hoa công nghệ cao

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh phối hợp triển khai rà soát, thu thập thông tin của hàng chục nghìn hộ sản xuất nông nghiệp để cập nhật, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử và hệ thống điểm bán hàng của 2 đơn vị. Các cấp hội tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới như: Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp với dịch vụ...; hướng dẫn, xây dựng, nhân rộng các mô hình nông dân khởi nghiệp, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã... tạo nên chuỗi giá trị, dần dần hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, góp phần xây dựng mối quan hệ bền chặt trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản.

Với sự hỗ trợ của các cấp hội cùng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, đến nay, nhiều hội viên nông dân trong tỉnh đã đầu tư phương tiện, máy móc và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp như: Sử dụng camera theo dõi vườn cây, chuồng trại; ứng dụng công nghệ trong vận hành hệ thống tưới nước, bón phân; tham gia một số trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu, bán nông sản… Tiêu biểu như: mô hình tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh đã góp phần nâng cao hiệu quả trồng dưa lưới tại Hợp tác xã sản xuất, cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (Phù Cừ); mô hình trang trại chăn nuôi lợn lắp đặt hệ thống camera giám sát từ xa toàn bộ chuồng trại của anh Nguyễn Văn Chiến, xã Minh Tân (Phù Cừ). Anh Chiến chia sẻ: Khi sử dụng hệ thống camera giám sát chuồng trại, bất kể thời gian nào, người chăn nuôi cũng có thể quan sát mọi hoạt động của đàn vật nuôi, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra sự cố, nhất là đối với những con lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh để đưa ra cách ly…

Đối với vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Liên ở xã Ngọc Thanh (Kim Động) đã xây dựng được mô hình trồng hoa công nghệ cao. Chị Liên cho biết: Với khu nhà màng hiện đại được đầu tư hệ thống tưới nước tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt, phân bón được hòa lẫn vào nước nên người trồng chủ động được chế độ dinh dưỡng, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây. Từ đó giúp cây ra hoa theo ý muốn và cho hoa nở một cách đồng đều, ngăn được côn trùng xâm nhập nên giảm được chi phí sản xuất. Sản phẩm sau khi thu hoạch bảo đảm an toàn đối với người sử dụng.

Từ việc tích cực thực hiện chuyển đổi số, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi của hội viên nông dân đã được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao với năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn với người tiêu dùng. Các nông sản của tỉnh được giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ rộng rãi, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Hồng Ngọc

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/ho-tro-nong-dan-chuyen-doi-so-3175167.html