Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, huyện Đà Bắc đã triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Qua đó giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.
Tháng 8/2023, lần đầu tiên trên địa bàn huyện Đà Bắc khai trương cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn tại trung tâm thị trấn Đà Bắc. Từ khi đi vào hoạt động, cửa hàng trở thành cầu nối để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của huyện và một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Hợp tác xã (HTX) đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh (xã Tân Minh) được thành lập từ tháng 8/2022, chuyên chăn nuôi và cung ứng thịt lợn bản địa. Bà Hà Thị Tâm, Giám đốc HTX chia sẻ, trước đây, trên địa bàn huyện chưa có điểm bán hàng, giới thiệu và quảng bá các loại nông sản, thực phẩm sạch do nông dân địa phương sản xuất. Do đó nhiều sản phẩm mặc dù có chất lượng cao nhưng khó thành hàng hóa để đến với người tiêu dùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Từ khi cửa hàng nông sản đi vào hoạt động, các sản phẩm của HTX đã đến được với nhiều người tiêu dùng. Hiện nay, chăn nuôi lợn bản địa ở Tân Minh phát triển tốt, bà con không còn lo đầu ra như trước đây.
Đó là một trong những kết quả nổi bật mà huyện Đà Bắc đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội nông dân (HND) các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong 3 năm qua, huyện Đà Bắc đã hỗ trợ tiêu thụ 73,4 tấn gạo, khoai và một số loại nông sản khác. Hỗ trợ, tuyên truyền cho nông dân tham gia thực hiện Chương trình OCOP năm 2023 với 5 sản phẩm tham gia chấm điểm, phân hạng gồm: thịt gà xã Tân Minh; cá hồ Hòa Bình xã Tiền Phong. Kết quả, có 4 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ngoài ra, huyện đã hỗ trợ 8 sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch điện tử gồm: măng tươi, măng khô; rượu mầm thóc; muối dổi; thịt sấy; bưởi Diễn, bưởi da xanh; cà gai leo; mỳ; gạo.
Đồng chí Quách Thị Khiếu, Chủ tịch HND huyện Đà Bắc cho biết: Một trong những khó khăn lớn nhất của nông dân khi bắt tay vào phát triển kinh tế là vốn. Do đó, Hội đã phối hợp tốt với các ngân hàng tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay. Trong đó, dư nợ qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 129 tỷ đồng, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt hơn 8 tỷ đồng, Ngân hàng NN&PTNT trên 321 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn trên 3,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó hướng dẫn các cơ sở Hội tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân. Theo đó, các cấp hội đã tín chấp và ký hợp đồng cung ứng trên 597,2 tấn phân bón theo phương thức trả chậm cho nông dân; phối hợp hỗ trợ, cung ứng 3.372 kg giống lúa, ngô các loại và cung cấp 73 tấn thức ăn chăn nuôi, 465 con giống, 30 tấn cá giống các loại.
Đồng chí Chủ tịch HND huyện nhấn mạnh: Thời gian tới, huyện Đà Bắc tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp có hiệu quả; xây dựng các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng công tác phối hợp để đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật và kêu gọi thêm các nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế.