Hỗ trợ nông dân trồng bắp nuôi bò sữa
Cát Tiên, vùng đất mới của những con bò sữa sản lượng cao đang trong những ngày rộn ràng thu hoạch. Dòng sữa trắng mang lại niềm hy vọng, thu nhập ổn định cho những người nông dân.
Bà Hồ Thị Lâm, khuyến nông viên thị trấn Cát Tiên, huyện Đạ Huoai chia sẻ, từ vài năm nay, dự án phát triển đàn bò sữa trên địa bàn Cát Tiên phát triển khá mạnh mẽ, những đàn bò đang dần dần được mở rộng trong cơ cấu chăn nuôi của địa phương. “Nuôi bò sữa mang lại thu nhập tốt cho nông dân, nhất là khi nông dân chúng tôi đã ký hợp đồng thu mua ổn định với doanh nghiệp. Nuôi bò sữa, ngoài các thức ăn tinh như cám, bắp hạt, còn đòi hỏi lượng lớn thức ăn thô như: cỏ xanh, thân cây bắp… Vì vậy, dự án của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ nông dân trồng bắp làm thức ăn chăn nuôi đã được nông dân Cát Tiên ủng hộ nhiệt tình”, bà Lâm cho hay.
Bà Hồ Thị Lâm thông tin, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình sản xuất bắp làm thức ăn chăn nuôi cho các nông hộ thuộc thị trấn Cát Tiên, thị trấn Phước Cát và xã Phước Cát 2, ba địa phương bắt đầu phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa. Theo bà, việc chủ động trồng bắp hỗ trợ bà con rất nhiều trong việc cung cấp thức ăn tươi cho bò. Như tại khu vực thị trấn Cát Tiên, đã có 19 nông hộ tham gia với diện tích 16 ha.
Anh Lê Thanh Hải, một nông hộ chăn nuôi bò sữa đã xuống giống một ha bắp sinh khối, cho biết, bò sữa cần lượng thức ăn rất lớn, ngoài thức ăn cao cấp như: cám, bắp hạt, mỗi con bò còn cần tới 20 - 25 kg thức ăn xanh mỗi ngày, trong đó có cỏ tươi, thân lá bắp. Nếu không có thức ăn xanh gia đình tự trồng, anh phải đi mua từ các nông hộ ngoài hoặc từ công ty, chi phí rất lớn. “Cây bắp tươi có giá từ 900 -1.100 đồng/kg, nếu gia đình không trồng được, tôi phải mua từ bên ngoài. Bắp không chỉ ăn tươi, nông dân nuôi bò còn dùng để ủ chua với mật rỉ đường. Đây là thức ăn rất cần thiết để bò sữa đầy đủ sức khỏe, chất lượng sữa tốt, bán với giá cao cho doanh nghiệp. Vì vậy, khi nhận dự án thử nghiệm trồng bắp sinh khối cho bò, nông dân chúng tôi rất mừng”, anh Hải thông tin.
Theo anh Lê Thanh Hải, cuối tháng 8/2012, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã đưa cán bộ kĩ thuật xuống hướng dẫn cho nông dân, từ cách làm đất, tỉa hạt, cách chăm sóc để cây bắp đạt sinh khối cao nhất. Theo anh, cây bắp này là giống chuyên được trồng để lấy thân. Cây canh tác dễ hơn, không sử dụng nhiều thuốc cũng như phân bón đơn giản hơn. Sau hai tháng canh tác, anh có thể thu hoạch được một lượng thân bắp lớn. “Bắp trồng khoảng 2 - 2,5 tháng, tới giai đoạn vừa phun râu, đông mủ, có trái non là có thể thu hoạch. Đây là giai đoạn cây bắp nạp lượng dinh dưỡng cao nhất, phù hợp cho bò sữa ăn, chất lượng sữa rất tốt”, anh Lê Thanh Hải đánh giá.
“Việc hỗ trợ nông dân trồng bắp sinh khối phục vụ chăn nuôi cũng được ngành Nông nghiệp Cát Tiên chúng tôi rất chú ý quan tâm”, bà Hồ Thị Lâm, khuyến nông viên chia sẻ. Theo bà, nếu không chủ động được nguồn chất xanh dinh dưỡng cao, đàn bò sữa sẽ không phát triển tốt cũng như lượng sữa không đều. Theo bà Lâm, Hợp tác xã Bò sữa Nam Cát Tiên hiện tại đang trồng bắp sinh khối cũng như tiến hành thu mua bắp sinh khối do nông dân trồng, ủ chua để bán cho các hộ chăn nuôi bò sữa. Với giá thu mua 900 đồng tới 1.100 đồng/kg thân bắp tươi, sau khi ủ chua, hợp tác xã cung ứng cho nông dân với giá 2.200 đồng/kg. Mỗi con bò ăn tới 20 - 25 kg chất thô/ngày. Vì vậy, việc hỗ trợ nông dân mô hình trồng bắp sinh khối và phục vụ chăn nuôi là mô hình hết sức hiệu quả, giúp người nông dân làm quen với việc canh tác bóc sinh khối để phục vụ cho đàn bò.
Ông Lê Văn Đắc, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án trình diễn mô hình sản xuất bắp làm thức ăn chăn nuôi tại ba địa phương của huyện Đạ Huoai thuộc Dự án Xây dựng mô hình sản xuất ngô (bắp) làm thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh Tây Nguyên, thuộc Chương trình Khuyến nông Trung ương năm 2024. Để hỗ trợ người nông dân làm quen với việc trồng, chủ động nguồn chất thô trong chăn nuôi, dự án đã đầu tư cho các nông hộ từ giống bắp sinh khối chuyên dùng, hướng dẫn kĩ thuật cho bà con, hỗ trợ một phần phân bón cũng như các loại thuốc cần thiết. Bà con đối ứng kinh phí và tích cực tham gia tập huấn kỹ thuật để canh tác được tốt nhất, đạt sản lượng bắp cao nhất. Ông Đắc đánh giá, tuy là vùng mới phát triển nghề nuôi bò sữa, khu vực các địa phương thị trấn Cát Tiên, thị trấn Phước Cát cho thấy hiệu quả tốt của việc chăn nuôi giống vật nuôi cao cấp này. Chính vì vậy, sự hỗ trợ của các nhà khoa học, ngành Nông nghiệp là cần thiết để đồng hành cùng bà con phát triển bền vững nghề chăn nuôi bò sữa.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202501/ho-tro-nong-dan-trong-bap-nuoi-bo-sua-d6818dc/