Hỗ trợ nông dân trồng lúa tăng thêm thu nhập
Sóc Trăng là một trong những tỉnh trọng điểm lúa gạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ, thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020. Theo đó, tại Sóc Trăng có 30 xã thuộc 6 huyện tham gia dự án gồm: Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú, Long Phú, Thạnh Trị và Mỹ Xuyên, với quy mô dự án 37.131 hộ, có diện tích 43.957ha.
Dự án VnSAT với mục tiêu hoạt động là tất cả các hộ dân trong vùng dự án được đào tạo, tập huấn “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Qua đó, có 80% hộ dân áp dụng 3 giảm (giống gieo sạ, thuốc trừ sâu bệnh, phân đạm), 3 tăng (năng suất lúa, chất lượng gạo, hiệu quả kinh tế); đó có 50% hộ dân áp dụng “1 phải 5 giảm”, góp phần tăng thu nhập thêm 20% cho người nông dân trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính và đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho 20 hợp tác xã (HTX).
Được xác định có vai trò quan trọng góp phần vào đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế hợp tác của tỉnh phát triển, trong những năm qua, Dự án VnSAT đã tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho trên 23.300 hộ nông dân trồng lúa về kỹ thuật sản xuất lúa bền vững, đạt 70% mục tiêu dự án. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong ngành còn được trang bị chuyên sâu kỹ thuật canh tác lúa để truyền đạt lại cho người dân. Theo đó, mức độ hộ dân áp dụng thành công kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” khoảng 63%.
Ông Lý Văn Năm ở ấp Tà Niền, xã Thạnh Trị (Thạnh Trị) chia sẻ: “Tôi làm ruộng xưa nay chỉ dựa theo thói quen và kinh nghiệm bản thân nên năng suất lúa còn thấp. Thấy nhiều hộ xung quanh làm lúa năng suất cao, tôi lân la học hỏi kinh nghiệm của các hộ đó và họ đã rủ tôi tham gia các lớp tập huấn do các kỹ sư nông nghiệp truyền đạt. Áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” giúp tôi giảm chi phí đầu tư sản xuất tầm 30% và tăng lợi nhuận sau thu hoạch là 25%. Ngoài ra, tôi còn được học hỏi nhiều kiến thức về cách phòng trừ sâu bệnh trên lúa, cách chọn giống cho năng suất, chất lượng cao, bán được giá sau thu hoạch…”.
Để tập hợp nông dân sản xuất tạo ra hàng hóa số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như chất lượng lúa nâng cao, ngoài việc tập huấn kỹ thuật canh tác lúa, dự án còn thúc đẩy việc liên kết hợp tác sản xuất giữa các hộ dân, để mở rộng diện tích từ quy mô nhỏ thành quy mô lớn bằng việc thành lập mới các HTX trong vùng dự án. Qua đó, đã có 30/30 HTX xã vùng dự án, trong đó có 10 HTX liên kết mở rộng quy mô canh tác trên 500ha. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện cho các HTX trong vùng dự án dự trữ, tạm trữ lúa sau thu hoạch cũng như có các trang thiết bị cần thiết trong quá trình sản xuất lúa, dự án đã đầu tư kho chứa cho 5 HTX, các công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện và đưa vào sử dụng, 10 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng cũng đang được triển khai thực hiện tại các HTX trong vùng dự án…
Phó Giám đốc Dự án VnSAT tại Sóc Trăng Huỳnh Văn Những cho biết: “Nhằm đảm bảo mục tiêu dự án, năm 2019, đơn vị sẽ rà soát đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác lúa bền vững trong vùng dự án và mở rộng dự án tại huyện Mỹ Xuyên cũng như nâng chất và tiếp tục mở rộng các HTX hiện có, thành lập mới các tổ chức nông dân với quy mô trên 500ha hoặc 500 hộ gắn với cánh đồng lớn tập trung, liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ điều hành HTX. Để dự án đầu tư vào các HTX mang lại hiệu quả tốt, đơn vị tạo sự linh hoạt và cơ chế cạnh tranh sàng lọc để đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho HTX, tổ chức nông dân theo tiêu chí dự án, phấn đấu đến cuối năm 2019 có thêm 10 HTX được nhà tài trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Bên cạnh đó, dự án cũng chủ động lồng ghép các cơ chế, chính sách hiện hành nhằm phát huy hiệu quả đầu tư cho tổ chức nông dân, xây dựng HTX điểm làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới. Tiến hành kiện toàn, củng cố Ban Quản lý dự án và phối hợp chặt chẽ các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án, nhất là việc thẩm tra, thẩm định, phê duyệt…”.