Hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Hiện nay, Bình Dương đang đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị thương mại.
Để đạt được mục tiêu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, Viện phát triển ứng dụng Trường Đại học Thủ Dầu Một (trường công lập trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) đã nghiên cứu ra nhiều sản phẩm nông nghiệp và chuyển giao để nông dân thực hiện. Đến nay, nhiều người đã thành công và đem lại giá trị kinh tế cao.
Chuyển giao công nghệ cho nông dân
Năm 2017, qua thông tin mọi người chia sẻ, ông Vương Văn Minh (59 tuổi, ở phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một) biết đến Viện phát triển ứng dụng Trường Đại học Thủ Dầu Một. Nhờ được các nhà nghiên cứu của Viện tư vấn, ông thử trồng nấm linh chi đỏ, nấm rơm. Đến nay, ông đã có 2 trại trồng nấm, thu nhập mỗi năm khoảng 200-300 triệu đồng.
Ông Minh trải lòng, trước đó ông đã tìm hiểu nhiều mô hình sản xuất nhưng do không có người hỗ trợ nên cứ thất bại. Thế nhưng khi liên hệ với Viện thì được hỗ trợ tận tình nên ông đã mạnh dạn khởi nghiệp.
“Khi mới triển khai mô hình sản xuất nấm, tôi được Viện hỗ trợ từ việc đặt phôi ở đâu cho uy tín, chất lượng đến kỹ thuật nuôi trồng, bảo quản sao cho đạt tiêu chuẩn sản phẩm. Viện cũng cho tôi đi tham quan các trại nấm người ta đã làm để học hỏi thêm kinh nghiệm”, ông Minh chia sẻ.
Cũng được Viện Phát triển ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một chuyển giao công nghệ trồng, sản xuất mà Công ty Kỹ thuật và Công nghệ Vũ Môn ở Bình Dương đã thành công với sản phẩm trà thảo dược Vũ Môn.
Trà được sản xuất bằng cách sử dụng hạt sen, tim sen làm giá thể, cung cấp chiếc xuất trồng đông trùng hạ thảo. Sau đó, hoa sen được ướp thêm trà cổ thụ và sấy thăng hoa trước khi đưa đến tay người tiêu dùng. Đến nay, công ty có 2 loại trà là Nguyệt liên trà dùng cho ban đêm giúp ngủ ngon và Nhật liên trà dùng cho ban ngày.
Ông Nguyễn Thành Tín, Giám đốc Công ty Kỹ thuật và Công nghệ Vũ Môn cho biết, 2 loại trà do công ty sản xuất đã được khách hàng bên Mỹ ưu chuộng. Hướng tới, công ty sẽ tiếp tục đưa thương hiệu trà này đến các quốc gia khác, để từ đó đem thương hiệu trà Việt “bay cao, bay xa”. Công ty có những vùng trồng nguyên liệu trà, sen ở Tây Bắc, Đồng Tháp nên không lo số lượng và chất lượng đầu vào.
“Công ty Vũ Môn đã có đội ngũ triển khai các vùng trồng, luôn luôn hướng dẫn cho người dân hiểu về việc sản phẩm organic (thực phẩm hữu cơ). Khi sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế đã mang lại sự hãnh diện rất lớn. Đội ngũ giám sát, bà con đồng lòng nên sản phẩm đầu vào đã được kiểm soát và đầu ra cũng sẽ tự tin”, ông Tín cho biết.
Tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ nông dân
Đi vào hoạt động từ năm 2016, đến nay, Viện Phát triển ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một đã nghiên cứu ra nhiều sản phẩm mang lại lợi ích, giá trị kinh tế cao và đã hợp tác, chuyển giao cho nhiều DN, hộ nông dân sản xuất.
Đơn cử như sản phẩm cao được chiết xuất từ nấm đông trùng hạ thảo và nấm linh chi hợp tác với Công ty Cổ phần MHD Inocare; quy trình nuôi trồng các loại nấm dược liệu và nấm ăn hợp tác với Công ty Cổ phần Dược phẩm Khang Minh. Mới đây, viện nghiên cứu thành công công nghệ chế biến trà, hợp tác với Công ty trà Biển Hồ tại tỉnh Gia Lai.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Viện nghiên cứu trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, Viện có vai trò nghiên cứu, chuyển giao cho doanh nghiệp, từ đó làm tăng giá trị chuỗi nông sản đưa công nghệ chế biến, đánh giá công dụng đối với sức khỏe. Đội ngũ nghiên cứu với hơn 60 nhà khoa học ở các lĩnh vực thực phẩm, dược, công nghệ sinh học, hóa học dược liệu… Mục tiêu của Viện là nghiên cứu ra nhiều sản phẩm để nâng cao giá trị, phát triển ngành nông nghiệp.
“Tùy theo nhu cầu của DN trong từng lĩnh vực, Viện sẽ tập trung đội ngũ các huyên gia giỏi nhất trong lĩnh vực đó, ứng dụng công nghệ mới nhất của thế giới, phù hợp với điều kiện, đặc tính sản phẩm để cho ra sản phẩm cho phù hợp. Kết quả nghiên cứu của Viện đã được sử dụng thực tế tại các DN, tạo nên sức bật, độ canh tranh của DN trong nước đối với DN nước ngoài. Mở rộng tiềm năng lớn không chỉ xuất khẩu sản phẩm thô, mà còn xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao cho ngành nông nghiệp”, bà Thương tự hào.
Hiện nay, Bình Dương đang hướng đến việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm. Do đó, các nhà khoa học của Viện cũng đang tập trung nghiên cứu đưa ra các sản phẩm phù hợp.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, Viện hiện nay có 2 chức năng đào tạo, nghiên cứu chuyển giao nên còn phân tán lực lượng. Thời gian tới, Trường sẽ ưu tiên cho Viện tập trung cho việc nghiên cứu. Từ đó có các sản phẩm giúp hộ gia đình, doanh nghiệp ứng dụng vào nuôi trồng, sản xuất.
“Trường cũng sẽ cố gắng giao đề tài, hỗ trợ kinh phí thông qua nguồn quỹ hoạt động sự nghiệp. Trường cũng đang nghiên cứu, xin UBND tỉnh định hướng cho Viện thành lập DN. Song song đó, trường dự kiến thành lập Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ với chức năng kết nối, hỗ trợ về mặt thủ tục để Viện có thời gian tập trung nghiên cứu”, ông Cường cho hay.
Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%. Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất sang ứng dụng công nghệ cao, tỉnh cũng triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó cho ra đời nhiều mô hình hay, cách làm mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.