Hỗ trợ nữ sinh dân tộc thiểu số hoàn thiện bản thân
Mặc dù triển khai chưa lâu, song Dự án 'Nền tảng học tương tác trực tuyến Câu lạc bộ nữ sinh' đã hỗ trợ nữ sinh dân tộc trở thành những nhân tố tích cực cho chính gia đình cũng như cộng đồng.
Tham dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) nữ sinh Trường THPT Võ Nhai với chủ đề mang thai ở tuổi vị thành niên, chúng tôi nhận thấy các thành viên trao đổi, thảo luận rất sôi nổi, hào hứng. Những câu hỏi liên quan đến sức khỏe, cơ hội học hành, đánh mất và hạn chế sự lựa chọn của các em trong cuộc sống… được các thành viên nòng cốt trả lời thấu đáo, rành mạch.
Tâm đắc với những thông tin được cung cấp qua buổi sinh hoạt CLB, Đào Lệ Hân, lớp 10A3, dân tộc Mông nhà ở Chòi Hồng, xã Tràng Xá, cho rằng: Những kiến thức, kỹ năng được tiếp cận hôm nay giúp em cũng như các bạn nữ trong CLB hiểu rõ được những tác động tiêu cực của việc mang thai ở độ tuổi này và tự bảo vệ mình. Ở buổi sinh hoạt trước về chủ đề quản lý tài chính, từ số tiền 200 nghìn đồng bố mẹ cho trong 1 tuần, em biết cách cân đối chi tiêu khi ở ký túc xá.
Mỗi buổi sinh hoạt, CLB đều đưa ra một chủ đề để các thành viên cùng thảo luận đi đến thống nhất những biện pháp, giải pháp để thực hiện tốt như: Kỹ năng quản lý tài chính; Bình đẳng giới; Hiểu đúng về quá trình dậy thì; Nạn tảo hôn…
Nguyễn Thùy Dương, lớp 10A1, Nhóm trưởng nòng cốt của CLB nữ sinh thông tin thêm: CLB có 40 thành viên của 6 lớp 10. Lịch sinh hoạt hằng tuần từ 1-2 buổi ấn định vào chiều thứ 4 và thứ 6. Em và 7 bạn của nhóm nòng cốt đã được Dự án tập huấn về cách thức, nội dung tổ chức các buổi sinh hoạt CLB. Lúc đầu các bạn còn chưa được hòa đồng do học khác lớp. Nhưng chỉ sau 2-3 buổi, chúng em tổ chức theo nhóm để cùng trao đổi, thảo luận, thuyết trình, tổ chức trò chơi, các bạn tham gia rất sôi nổi, tích cực.
Theo cô giáo Trần Thị Hường, phụ trách CLB nữ sinh: Năm học này, toàn Trường có 710 học sinh (HS), trong đó nữ sinh dân tộc chiếm tới 40%, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chí, Cao Lan, Mông. Các em nữ sinh dân tộc rất thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, vị thành viên, quản lý tài chính… qua các buổi sinh hoạt của CLB, những HS dân tộc ở trong khu ký túc xá, trọ gần trường có thêm kiến thức để cân đối chi tiêu trong sinh hoạt, biết tự bảo vệ bản thân mình…
Được biết, THPT Võ Nhai là 1 trong 6 trường (Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình, Nguyễn Huệ, Bắc Sơn) được Tổ chức The Vina Capital Foundation (VCF) tài trợ thực hiện Dự án “Nền tảng học tương tác trực tuyến Câu lạc bộ nữ sinh” từ tháng 2-2022 đến tháng 12-2023. Mục tiêu của Dự án là khuyến khích nữ sinh dân tộc đến trường học. Mặt khác, HS tham gia Dự án được nâng cao kỹ năng sống, kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính, quản lý tài chính, kỹ năng lãnh đạo hoạt động cộng đồng…
Theo thầy giáo Hà Quang Đỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Lương: Dự án đã trao cho các nữ sinh dân tộc những cơ hội có ý nghĩa để các em cùng nhau chia sẻ những khó khăn, học hỏi, phát triển những kỹ năng cần thiết để vượt qua những rào cản trong cuộc sống. Nhà trường sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về những mục tiêu tốt đẹp của Dự án đến nữ sinh trong toàn Trường. Tôi cũng đề nghị VCF tiếp tục cho mở rộng đối tượng và các trường thực hiện.
Kiểm tra tại các nhà trường được thụ hưởng từ Dự án, ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc Tổ chức VCF bày tỏ sự ấn tượng và đánh giá cao kết quả bước đầu. Ông cảm ơn lãnh đạo UBND tỉnh đã tạo cơ hội thực hiện Dự án này và ghi nhận ý kiến đề xuất của các trường trong việc cân nhắc mở rộng đối tượng thực hiện và thụ hưởng.
“Nền tảng học tương tác trực tuyến Câu lạc bộ nữ sinh” là dự án sử dụng nguồn viện trợ nước ngoài không hoàn lại. Ngoài được tập huấn nội dung tổ chức các buổi sinh hoạt, mỗi trường được Dự án tài trợ tại phòng sinh hoạt của CLB 1 màn hình tivi, máy tính, âm ly, micro và hỗ trợ mỗi buổi sinh hoạt tiền nước uống, ăn nhẹ (250 nghìn đồng/buổi); giáo viên phụ trách CLB được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng…