Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn
Những năm qua, tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm đặc sản, các sản phẩm nông lâm nghiệp ưu thế của địa phương. Một trong những chính sách đó là hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất từ Chương trình khuyến công.
Hành trình khởi nghiệp thành công của anh Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Đăng, thôn Oăng, xã Đạo Viện (Yên Sơn) có sự đồng hành của các cấp chính quyền, sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh. Anh Dũng cho biết, quá trình sản xuất các sản phẩm thìa gỗ, dao gỗ, que kem của anh đã được tiếp động lực từ sự hỗ trợ 90 triệu đồng mua thiết bị máy móc của Trung tâm Khuyến công tỉnh. Đơn vị vừa nhận được thông tin từ Trung tâm Khuyến công tỉnh, trong năm 2022 công ty lại được Chương trình khuyến công Quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng để mua 3 máy ép nhiệt để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sự hỗ trợ đúng lúc, kịp thời và cần thiết sẽ giúp doanh nghiệp bứt phá. Ngoài ý nghĩa kinh tế đó còn là sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với doanh nghiệp, là sự động viên, khuyến khích rất lớn.
Hiện xưởng sản xuất của công ty có hơn chục lao động đều là người dân trong xóm, trong xã với mức thu nhập hàng tháng từ 5 - 6 triệu đồng/người. Máy móc và hệ thống nhà xưởng anh đã đầu tư tích lũy lên đến 2 tỷ đồng. Mỗi tháng, xuất bán ra thị trường gần 1 triệu sản phẩm các loại. Ngoài các cơ sở bánh ngọt, các nhà hàng, khách sạn, các sản phẩm của Công ty TNHH Hải Đăng đã có đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp sản xuất kem lớn trong nước như hãng kem Tràng Tiền, Việt Thái (Hà Nội); Bình Dung - Bình Dương (Hải Dương); Hoa Long (Bắc Ninh). Đồng thời, đã bắt đầu nhận một số đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và Ấn Độ.
HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) sản xuất trà túi lọc đậu đen xanh lòng vừa được hỗ trợ 90 triệu đồng từ Chương trình khuyến công tỉnh năm 2022. Anh Triệu Văn Huy, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát cho biết: Số tiền hỗ trợ đã giúp HTX trả chi phí đầu tư mua máy đóng túi lọc, máy sấy khô từ nguồn vốn vay trước đó. Sự hỗ trợ này cũng là động lực để HTX tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo. Hiện nay, sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng của HTX đạt OCOP 4 sao. Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát tại xã Tri Phú đang phát huy vai trò trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ cũng như tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Hiện HTX bán từ 3.000 - 4.000 hộp sản phẩm/tháng, doanh thu đạt 85 triệu đồng. Với mục tiêu sản xuất các sản phẩm truyền thống có nguồn gốc từ địa phương, chế biến thành các sản phẩm tiện lợi, tốt cho sức khỏe người dùng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô 60 ha đất trồng cây đậu đen với 100 hộ dân tham gia, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng trong sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, Công ty TNHH May xuất khẩu Thành Danh, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) đã đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm túi xách siêu thị tự hủy công nghệ của Nhật Bản, công suất 500.000 sản phẩm/năm cung cấp cho các siêu thị và xuất khẩu. Ông Vũ Văn Tin, Giám đốc Công ty cho biết: Dây chuyền sản xuất có giá trị đầu tư trên 2 tỷ đồng bắt đầu đi vào sản xuất cuối tháng 12-2019, tạo việc làm cho 50 lao động nữ. Khi vào sản xuất, đơn vị đã được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ Khuyến công quốc gia năm 2020 mua thêm máy móc, sự hỗ trợ này thiết thực để doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Hiện trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất và tiêu thụ 200.000 túi các loại, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước châu Âu. Sản phẩm của đơn vị góp phần thay đổi thói quen sử dụng túi nilon đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.
Ông Đàm Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết, để hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp được tiếp cận nguồn vốn khuyến công đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ trong sản xuất, tạo ra sản phẩm mới mang lại giá trị kinh tế cao hơn, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã thực hiện khảo sát, đánh giá những đơn vị sản xuất có hướng phát triển lâu dài, tiêu thụ hàng nông lâm sản cho người dân để hỗ trợ, tăng tính hiệu quả và có giá trị cộng đồng chứ không riêng cơ sở sản xuất đó được hưởng lợi. Trong 6 năm qua (2016 - 2021) Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ 50 đề án với kinh phí 7,5 tỷ đồng. Trong đó có 15 đề án khuyến công quốc gia, số tiền hỗ trợ 5,45 tỷ đồng; 31 đề án khuyến công địa phương, số tiền hỗ trợ gần 3 tỷ đồng. Các đề án tập trung hỗ trợ vào ứng dụng máy móc thiết bị trong gia công cơ khí, sản xuất chè, chế biến gỗ rừng trồng...
Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, áp dụng sản xuất sạch hơn, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tăng sức cạnh tranh thị trường, tỉnh đã xây dựng chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh sẽ dành nguồn vốn trên 30 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 10 mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 95 cơ sở công nghiệp nông thôn về ứng dụng máy móc thiết bị, cụm thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp. Trong đó, ưu tiên các cơ sở sản xuất sản phẩm mới, có tiềm năng phát triển gắn với các sản phẩm đặc sản của địa phương.
Để những đồng vốn khuyến công đạt hiệu quả khi đi vào thực tiễn đời sống, Trung tâm Khuyến công tỉnh đang phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố rà soát, khảo sát để hỗ trợ trúng, đúng và hiệu quả, góp phần liên kết chuỗi sản xuất từ nông lâm nghiệp, công nghiệp của tỉnh.