Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP bền vững

Hiện nay toàn tỉnh có 56 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao. Nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm OCOP, thời gian qua các ngành chức năng, địa phương đã tích cực phối hợp, triển khai giải pháp hỗ trợ các chủ thể từ khâu tuyên truyền, quảng bá, đào tạo tập huấn, nâng cao chất lượng sản phẩm đến mở rộng vùng nguyên liệu.

Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Ong mật Ðiện Biên được hỗ trợ thực hiện dự án liên kết nuôi và tiêu thụ sản phẩm mật ong.

Sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Ong mật Ðiện Biên được hỗ trợ thực hiện dự án liên kết nuôi và tiêu thụ sản phẩm mật ong.

Huyện Ðiện Biên là một trong những địa phương tích cực hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển mở rộng diện tích và nâng cao vùng nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm OCOP. Ðơn cử như việc lồng ghép sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học hàng năm của huyện hỗ trợ cho Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên 10.000 khay mạ để mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy, nâng cao chất lượng sản phẩm gạo. Ðến nay, Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng khu vực sản xuất, cung ứng mạ khay vào sản xuất quy mô lớn và xây dựng được vùng nguyên liệu liên kết sản xuất lúa gạo ổn định trên 100ha. Từ nguồn vốn theo Quyết định 45/2018/QÐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh, huyện Ðiện Biên đã hỗ trợ Hợp tác xã Ong mật Ðiện Biên thực hiện dự án liên kết nuôi và tiêu thụ sản phẩm mật ong với quy mô 320 đàn ong/năm, 20 hộ dân tham gia liên kết; hỗ trợ hợp tác xã hệ thống hạ thủy phần mật ong và bồn lọc mật ong. Ðồng thời hỗ trợ tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho các chủ thể OCOP, tổ chức các hoạt động quảng bá, tiếp thị các sản phẩm OCOP, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (đã được 8 sản phẩm); tổ chức các gian hàng trưng bày, bán sản phẩm tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh, huyện.

Ðể tăng sức cạnh tranh và tính bền vững của sản phẩm sau khi xếp hạng, trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Ðiện Biên đã lựa chọn 11 sản phẩm của 11 chủ thể ở 9 huyện, thị xã, thành phố được ưu tiên phát triển bền vững, gồm: Mật ong Chà Nưa, bí xanh Tìa Dình, Diệp thanh trà - Trà xanh shan tuyết Tủa Chùa, Macadamia Ðiện Biên, dứa quả Na Sang, cà phê túi nhúng Smile single bar coffee, cà phê bột Hồng Kỳ, khẩu xén Mường Lay, gạo Tâm Sáng Ðiện Biên, gạo Thiên Bản, mật ong bánh tổ.

Theo đó, chủ thể có sản phẩm được lựa chọn phát triển bền vững được ưu tiên hỗ trợ 7 nhóm nội dung gồm: Ðào tạo tập huấn nâng cao năng lực; mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết; xây dựng chứng nhận quản lý tiên tiến cho các chủ thể; mở rộng cơ sở xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất; bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho chủ thể, truy xuất nguồn gốc điện tử; xúc tiến thương mại và hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.

Thời gian qua các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương đã phối hợp triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ. Nổi bật là nội dung về xúc tiến thương mại, riêng năm 2022 tổ chức đưa các sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ tại các chương trình hội nghị, hội chợ, triển lãm, phiên chợ tại Sơn La, Hà Nội, Huế. Tổ chức tham gia chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức. Tham gia hội chợ triển lãm tại 2 tỉnh Bắc Lào; tham gia hội chợ thương mại biên giới tại tỉnh Phoong Sa Ly để quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ðiện Biên… Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường và dần có “chỗ đứng” trên thị trường.

Tuy nhiên, đánh giá chung thì việc thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP bền vững đến thời điểm hiện tại đang bị chậm tiến độ. Nhiều sản phẩm mang tính thời vụ, chưa qua chế biến nên thời gian bảo quản, tiêu thụ ngắn, khó mở rộng thị trường; một số sản phẩm chưa được chú trọng về mẫu mã, bao bì, chất lượng. Cùng với đó, đa số các chủ thể OCOP chưa chủ động xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu; chưa chủ động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Ðể phát triển sản phẩm OCOP bền vững, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; hỗ trợ chủ thể về nguồn lực và cơ chế chính sách để đầu tư mở rộng sản xuất, quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP xác lập quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến, các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa; đăng ký mã số, mã vạch, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, thiết kế sản phẩm. Tập trung hỗ trợ các chủ thể xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm OCOP.

Bài, ảnh: Thành Ðạt

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/208787/ho-tro-phat-trien-san-pham-ocop-ben-vung